8 điều có thể bạn chưa biết về lễ Phật Đản

Lễ Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo).

Hãy cùng Image Travel & Events tìm hiểu chi tiết nhé!

1. Ngày tổ chức lễ Phật Đản

Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8 tháng 4 Âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni – nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).

2. Đại lễ Phật Đản còn có tên là Vesak – Tam Hiệp

Vesak là tiếng Sinhalese (đảo quốc Sri Lanka). Đại lễ Phật Đản đầu tiên bắt nguồn cũng từ đấy, sau đó lan truyền đến Miến Điện, Thái, Lào, Việt Nam…

3. Vào ngày lễ Phật Đản, phật tử thường làm gì?

Vào ngày này, Phật tử thường vinh danh Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) qua các hình thức như tặng hoa, nghe thuyết giảng, dâng cúng lễ chùa, thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm. Thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.

4. Ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới

Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Hằng năm, Liên Hiệp Quốc tại NewYork cũng có những hoạt động đặc biệt dành cho ngày lễ Vesak. Trong Nghị Quyết của Đại hội đồng LHQ viết rằng, “Lời dạy của đức Phật, và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của Ngài đã chuyển hóa hàng triệu người…Thừa nhận ngày trăng tròn tháng Tư hàng năm là ngày thiêng liêng nhất của người Phật tử, kỷ niệm ngày sinh, thành đạo và nhập niết bàn của đức Phật.”

5. Hình tượng 7 đóa hoa sen

Mỗi năm đến lễ Phật Đản, mọi người thường thấy hình tượng đức Phật sau khi được sinh ra đã bước đi với 7 đóa hoa sen nở với ý nghĩa:

  • Bước thứ nhất: Nhìn về phương Đông, vì các chúng sanh làm người dẫn đường tối thượng.
  • Bước thứ hai: Nhìn về phương Nam, vì các chúng sanh làm ruộng phước tốt.
  • Bước thứ ba: Nhìn về phương Tây, vì chúng sanh đây là thân cuối cùng vậy.
  • Bước thứ tư: Nhìn về phương Bắc, đức Phật vì chúng sanh mà thị hiện ra cõi đời ngũ trược này bằng thân người thành tựu Chánh đẳng chánh giác – và giải thoát khổ đau cho chúng sanh.
  • Bước thứ năm: Nhìn về phương dưới, vì chúng sanh hàng phục các loài ma.
  • Bước thứ sáu: Nhìn về phương trên, vì chúng sanh, làm nơi nương tựa của trời, người.
  • Bước thứ bảy: Đức Phật tuyên bố: “Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là trên hết”

6. Đức Phật đản sanh đưa tay nào lên?

Một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Đức Phật đản sinh theo kinh tạng, Hán tạng thì cho rằng: tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất.
Tức hành thất bộ, cử hữu thủ trụ nhi ngôn:
“Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn. Tam giới giai khổ hà khả lạc giả?

7. Vì sao tắm Phật trong ngày Phật Đản?

Vào Lễ Phật Đản, cùng với các nghi lễ Phật giáo, phật tử và các nhà chùa thường tổ chức lễ “tắm Phật”. Theo Phật sử, khi Phật đản sinh trên trời có chín vị rồng tới phun hai dòng nước nóng & lạnh tắm rửa cho Ngài. Về sau, lễ tắm Phật là một trong những nghi thức long trọng trong lễ hội kỷ niệm Phật đản. Tắm Phật là tắm những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ hướng đến một đời sống an lạc”.

8. Đức Phật ra đời toàn thiện với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp

Khi Thái tử Tất Đạt Đa ra đời, vua cha Tịnh Phạn đã cho mời rất nhiều thầy đến xem tướng cho Ngài. Khi các nhà tướng sư gặp Thái tử, ai nấy đều kinh ngạc thốt lên trước vẻ đẹp hiếm có, hiếm gặp; không ai trên thế gian có đầy đủ tướng tốt như Ngài. Ngài có gót chân thon dài; ngón tay, ngón chân dài; tay chân mềm mại; răng đều đặn; răng không khuyết hở; thân hình cao thẳng… Từ một số tướng tốt kể trên chúng ta thấy rằng thân tướng của Đức Phật thật đẹp đẽ, sáng rỡ biết bao.

Tìm hiểu thêm những tin tức thú vị khác tại đây.

Tổng hợp

028 2208 6688