Cung An Định một thuở vàng son

Được ví như là “cung điện mùa hè” của triều đình Huế, cung An Định mang dáng vóc như một tòa lâu đài châu Âu cổ kính tráng lệ, nhưng lại mang các họa tiết hoa văn trang trí truyền thống cung đình.

Cung An Định được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc Việt Nam đầu thế kỉ 20. Đây là một công trình kiến trúc khác biệt hoàn toàn giữa hàng trăm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế hiện nay.

Lịch sử hình thành cung điện

Có địa chỉ tại số 97 đường Phan Đình Phùng, cung An Định tiền thân có tên gọi là phủ Phụng Hóa – một công trình bằng gỗ nằm bên bờ dòng sông An Cựu. Cung An Định được vua Đồng Khánh xây dựng cho con trưởng của mình – tức vua Khải Định – làm cung điện riêng sinh sống.

Sau ngày đăng quang, năm 1917, vua Khải Định sử dụng tiền riêng của mình bắt đầu cải tạo lại phủ Phụng Hóa theo lối hiện đại. Tiếp nối truyền thống từ đời trước, vua Khải Định trao lại cung An Định cho hoàng tử Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, vua Bảo Đại thoái vị, cùng gia quyến của mình là hoàng hậu Nam Phương, đức Từ Cung thái hậu và các hoàng tử công chúa, đã dọn từ Hoàng cung Huế qua An Định cung này sinh sống.

Công trình kiến trúc độc đáo

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cung An Định là đại diện tiêu biểu cho trường phái kiến trúc tân – cổ điển ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Toàn bộ công trình được xây dựng với diện tích hơn 23.000m2, quay mặt hướng nam phía bờ sông An Cựu. Thuở ban đầu khi còn nguyên vẹn, cung có khoảng 10 công trình lớn nhỏ: bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, hồ nước… Trải qua hơn 100 năm và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại ba công trình khá nguyên vẹn là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.

Cổng chính cung An Định

Nhìn từ đường Phan Đình Phùng vào, cổng chính được xây theo lối tam quan bằng gạch, gồm hai tầng, đắp nổi trang trí sành sứ, thủy tinh màu rất công phu. Các họa tiết là những hình ảnh rất quen thuộc với văn hóa phương Đông như rồng, phượng, hổ.. .Vòm cổng đắp nổi ba chữ “An Định cung”, ngoài ra có những cặp trụ giả được đắp nổi theo phong cách Roman.

Cổng chính nhìn từ phía trong ra, bao bọc quanh toàn bộ cung là khuôn viên tường gạch dày 0,5m, cao 1,8m, trên có thêm hàng rào song sắt. Phần đỉnh mái cổng chính gắn biểu tượng một viên trân châu lớn.

Đình Trung Lập

Phía sau cổng chính, giữa sân là đình Trung Lập, có tác dụng như một “bình phong” – một nét kiến trúc rất quen thuộc ở triều Nguyễn kéo dài đến tận ngày nay, thường thấy ở các lăng tẩm, phủ đệ hay nhà rường Huế. Đình Trung Lập có hình bát giác, mái dạng cổ lầu với hai lớp. Lớp mái dưới có tám cạnh, lớp trên bốn cạnh.

Mái đình Trung Lập mang nghệ thuật tạo hình rất ấn tượng, đắp nổi 12 con rồng với ngụ ý bay đi “bốn phương tám hướng”.

Trong đình có đặt bức tượng đồng chân dung vua Khải Định, tỷ lệ bằng người thật, được đúc từ năm 1920.

Lầu Khải Tường

Điểm nhấn cho toàn bộ kiến trúc cung An Định chính là tòa nhà được ví như một tòa lâu đài châu Âu, mang tên lầu Khải Tường. Lầu nằm ngay phía sau bức “bình phong” đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của cung. Tên “Khải Tường” được chính vua Khải Định đặt với ý nghĩa là nơi khởi phát điềm lành.

Lầu Khải Tường có ba tầng được xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu. Mặt trước được trang trí cầu kỳ, công phu các họa tiết phong cách Roman cận đại (bắc đẩu bội tinh, thiên thần…) đan xen các họa tiết cung đình phương Đông truyền thống (rồng, phượng, hổ, bát bửu, hoa văn…).

Tổng cộng có 22 phòng lớn nhỏ. Trong đó, tầng 1 có bảy phòng trang trí rất lộng lẫy, nổi bật nhất là đại sảnh. Tầng 2 gồm tám phòng là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi. Tầng 3 có bảy phòng là nơi ở cũ của đức Từ Cung thái hậu và nơi thờ tự.

Đại sảnh lầu Khải Tường

Đặc sắc nhất của lầu Khải Tường chính là đại sảnh. Nơi nổi bật với sáu bức tranh tường trang trí, vẽ rất sinh động và chính xác sáu lăng tẩm các vị vua nhà Nguyễn. Từ lăng vị vua đầu tiên Gia Long, lần lượt theo mốc thời gian là các lăng vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, vua Đồng Khánh và chính lăng vua Khải Định. Riêng bức tranh vua Khải Định là vẽ không giống thực tế ngày nay do khi vẽ vua Khải Định vẫn còn sống.

Qua thời gian những bức tranh này đã từng xuống cấp nghiêm trọng nhưng đã được các chuyên gia Đức giúp phục chế lại nguyên bản các tác phẩm độc đáo này. Đến ngày nay, danh tính của tác giả sáu bức tranh tường này vẫn còn là điều bí mật, tuy vậy tất cả đều được đánh giá là những kiệt tác nghệ thuật tranh tường Việt Nam đầu thế kỷ 20.

trong cung an định

Giữa đại sảnh là tượng đồng của hoàng tử Vĩnh Thụy, chính là vua Bảo Đại sau này.

Phòng khách và phòng ăn đậm phong cách châu Âu, nằm đối diện với nhau qua đại sảnh.

Cuối đại sảnh là cầu thang dẫn lên tầng hai. Từ chiếu nghỉ, trụ đỡ, tay vịn cầu thang đến các họa tiết hoa văn đều rất hiện đại mang phong cách Tây phương.

Trước kia, tám phòng tầng hai chủ yếu là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi. Nay đã trở thành các phòng lưu trữ thông tin và trưng bày các hiện vật đã được hai vị vua sử dụng tại cung An Định.

 

 

Nhà hát Cửu Tư Đài

Phía sau lầu Khải Tường đã từng là một công trình rất đặc biệt: nhà hát Cửu Tư Đài, với diện tích 1.150m2, gồm hai tầng với sức chứa 500 người. Đây là nơi diễn tuồng, cải lương cho hoàng gia dưới thời vua Bảo Đại. Hệ thống sân khấu nằm ở giữa tầng 1, khán đài được thiết kế ở cả hai tầng phía chung quanh sân khấu, khán đài danh dự nằm ở tầng hai dành riêng cho vua và hoàng thân quốc thích, các đại thần, các khách mời danh dự…

Kiến trúc của nhà hát này mang phong cách kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng nội thất lại giống lăng Khải Định với cách trang trí đắp nổi bằng nghệ thuật ghép sành sứ. Đáng tiếc, Nhà hát đã bị phá hủy năm 1947, chỉ còn lại nền móng là bãi cỏ lớn phía sau lầu Khải Tường như ngày nay.

Sau MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của ca sĩ Hòa Minzy, cung An Định càng thêm hấp dẫn, thu hút sự tò mò của nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ. Và gần đây, cung điện này cũng được chọn làm bối cảnh trong phim Gái già lắm chiêu 5.

Theo dõi Image Travel & Events để cập nhật nhiều kiến thức thú vị!

Theo Nhân Dân

028 2208 6688