Kể chuyện du lịch nơi “nắng như rang, gió như phang”

[SG Tiếp Thị] – “Rất ấn tượng, tôi đã tới Ninh Thuận rất nhiều lần nhưng giờ mới biết nơi này”, đó là nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events ở TPHCM có thế mạnh về đưa khách quốc tế vào Việt Nam trong khi tham quan Công viên Đá Ninh Thuận thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn.

Và cũng chính ông Toản, trong một tọa đàm nhỏ sau đó đã góp ý với nhà quản lý là nên giữ nguyên, tránh tác động bằng các biện pháp kỹ thuật như xây dựng bê tông, các khối công trình, thay vào đó bằng cách hành động xanh.

Các doanh nhân và chuyên gia du lịch chụp ảnh check-in tại Công viên Đá Ninh Thuận.

Trong hai ngày 9 và 10-12-2023, Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn của tạp chí tổ chức buổi gặp mặt “Chuyện trò du lịch thời nay” kết hợp tọa đàm “Phát triển du lịch nông thôn ven biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học” tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, với sự tham gia của hơn 10 doanh nghiệp du lịch và chuyên gia du lịch.

Buổi gặp mặt “Chuyện trò du lịch thời nay” kết hợp tọa đàm: “Phát triển du lịch nông thôn ven biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học” diễn ra tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận do chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 10-12. Ảnh: Trung Châu

Khác với du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng với việc phát triển mạnh mẽ mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng như tham quan vườn cây ăn trái, cảnh đồng quê, trải nghiệm tát mương bắt cá hay ngắm sông phù sa, du lịch Ninh Thuận và các tỉnh miền Trung lại sở hữu loại hình nông nghiệp, nông thôn gắn với địa hình rừng biển xen lẫn nông nghiệp. Đó là trồng những loại cây trồng hoàn toàn khác biệt như nho, táo, măng tây, hành, tỏi, những cánh đồng lúa xen lẫn núi đá chập chùng… hay những trang trại cừu, dê, trâu bò. Chính những điều này là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông thôn ven biển miền Trung, trong đó có Ninh Thuận, có tiềm năng phát triển.

Ninh Thuận được ghi nhận là vùng đất nổi tiếng về các di tích của dân tộc ít người như Chăm, Raglai… cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Cùng với đó là núi đá với khí hậu bán hoang mạc, tạo thành nhiều địa hình, địa vật ấn tượng, điển hình như Công viên Đá Ninh Thuận đã nói ở phần đầu bài viết. Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Du lịch Image Travel & Events, thế mạnh của Ninh Thuận hay trong khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa là thiên nhiên hoang sơ, chẳng hạn như Công viên Đá Ninh Thuận đã tạo cho ông và rất nhiều doanh nghiệp du lịch trong đoàn ngỡ ngàng.

“Đừng tác động nhiều quá vào thiên nhiên hoang sơ như Công viên Đá sẽ thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài, thay vào đó là định hướng phát triển xanh, bền vững”, ông Toản nói trong tọa đàm. Ông còn nói: “Đến Ninh Thuận, khi nghe nói đến người Chăm, người Raglai thì ít nhiều đã để lại trong đầu với du khách một cái gì đó, khiến người ta lập tức phải nghĩ đến văn hóa bản địa và muốn phát triển, chúng ta không phải là người tạo ra sản phẩm mà chính những người dân bản địa này sẽ là người làm ra sản phẩm có thể mới có thể phát triển du lịch bền vững”.

Nằm giữa hai trung tâm du lịch lớn là Phan Thiết và Nha Trang, đây cũng vừa là hạn chế vừa là ưu điểm nếu ngành du lịch Ninh Thuận nếu biết cách tận dụng đặc thù về khí hậu thổ nhưỡng, văn hóa bản địa, núi rừng biển cả. Mặc dù Ninh Thuận không thuận lợi về giao thông đường bộ, hàng không so với các trung tâm du lịch lớn khác nhưng chính vì điều này du lịch ven biển Ninh Thuận có thể hút khách khi khách thích thú vì tránh đông đúc và có được không gian du lịch thoải mái, nhất là cảnh quan thiên nhiên ở đây vẫn còn hoang sơ.

Theo chuyên gia du lịch Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn, nếu du khách đã đến Ninh Thuận thì thường sẽ là những khách có điều kiện, đặc biệt là khách nước ngoài đến từ châu Âu. Lý do thời tiết Ninh Thuận “nắng như rang, gió như phan” nhưng lại có biển đẹp, núi đá chập chùng ven biển, vườn nho xen lẫn bãi cát nhô ra sát biển là những nét chấm phá ấn tượng với du khách nước ngoài.

“Ninh Thuận nên phát triển du lịch nông thôn ven biển theo hướng cao cấp, lọc khách và tránh đại trà”, ông Huê gợi ý tại tọa đàm.

Còn với góc độ của chuyên gia du lịch Phan Yến Ly bà cho biết, ngoài việc phát triển du lịch theo hướng cao cấp hút du khách có điều kiện, phân khúc du khách mà địa phương và những người làm du lịch ở đây nên quan tâm chính là giới trẻ như học sinh, sinh viên và những chuyên gia quan tâm tới đa dạng sinh học của rừng, của khu bảo tồn biển, rạng san hô. Với hệ sinh thái đa dạng có rừng núi, vịnh, biển và những cánh rừng khô hạn độc đáo, bãi rùa đẻ, công viên đá… , rất phù hợp cho việc học tập nghiên cứu, trải nghiệm. Đặc biệt khi nói về yếu tố văn hóa, bà Ly cũng nói thêm nên chú ý khai thác nét đặc sắc của đồng bào dân tộc Raglai, như ẩm thực, trang phục và nghệ thuật giải trí như những điệu múa, những loại nhạc cụ, nổi bật như đàn chapi.

“Chúng ta có thể tạo nên được những cái “câu chuyện” hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch khác biệt các nơi khác”, bà Ly nói và cho rằng dọc dài ven biển miền Trung, du lịch nông thôn luôn chứa đựng nhiều “câu chuyện” để có thể kể cho du khách, nhất là khách nước ngoài “nghe”, qua đó cũng tạo động lực, sinh kế cho người dân địa phương. Và ông Toản góp thêm là “hãy để người dân cùng làm du lịch, cùng hưởng lợi, đừng biến người dân thành “diễn viên” trong tour du lịch”.

Các diễn giả tham gia chia sẻ trong buổi tọa đàm. Ảnh: Trung Châu

Với phân khúc du lịch là học sinh, sinh viên và những chuyên gia nghiên cứu, hiện nay Vườn Quốc gia Núi Chúa là nơi đang thu hút du khách. Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Vườn Quốc gia Núi Chúa,  các cán bộ, nhân viên tại vườn không chỉ là những người đảm bảo công tác gìn giữ và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, hệ sinh thái khu vực, mà chính nơi đây thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn, tuyên truyền cho người dân và du khách và kết hợp cùng du khách tạo ra những sản phẩm du lịch địa phương, như tổ chức cho du khách tham quan vườn nho, trải nghiệm một ngày làm diêm dân…

Trong buổi tọa đàm, các doanh nghiệp cũng đã có những thảo luận, cho rằng Ninh Thuận với nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ven biển như đã nói ở trên, tuy nhiên du lịch Ninh Thuận vẫn còn nhiều thách thức, nhất là về chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất chưa được hoàn thiện nhất là dịch vụ lưu trú. Mặc khác nguồn nhân lực chưa được đầu tư và có sự đào tạo chuyên môn cao. Số lượng lao động tham gia du lịch nông thôn ở Ninh Thuận không nhiều với quy mô nhỏ lẻ và đây là việc có thể đào tạo, hướng dẫn ngay mà không phải đầu tư nhiều. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn thì chủ yếu mang tính chất tự phát, chưa được tổ chức bài bản. “Chẳng hạn du khách ghé thăm vườn nho, trang trại nho, tôi thấy dường như nông dân chủ vườn chưa được tập huấn, huấn luyện về du lịch. Thay vì kể câu chuyện hấp dẫn về nho thì đại đa số họ lại để mặc du khách ghé thăm và chỉ lo bán sản phẩm, quà từ nho là chính”, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, nhà kinh doanh lữ hành lớn ở TPHCM.

Chuyến đi hai ngày một đêm của đoàn doanh nhân du lịch tại Ninh Thuận do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn và Sáng kiến Điểm đến An toàn của báo tổ chức với chủ đề “Chuyện trò du lịch thời nay” kết hợp tọa đàm “Phát triển du lịch nông thôn ven biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học” tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận đọng lại trong chúng tôi và các doanh nghiệp du lịch nhiều ấn tượng. Và còn rất nhiều chia sẻ, ý kiến, góp ý của doanh nghiệp du lịch cho chủ đề du lịch nông thôn ven biển của các chuyên gia, doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tải những ý tưởng về thu hút khách ở công viên đá, bãi Thịt, làng Cầu Gãy của người Raglai sát vịnh Vĩnh Hy, những gợi ý, chia sẻ về du lịch nông thôn trong các tin bài báo tiếp theo.

Theo Báo Saigon Tiếp Thị

 

 

028 2208 6688