Khi con lớn dần, hãy khen ngợi tuổi teen đúng cách

Việc khen ngợi một em bé trong độ tuổi mầm non và mẫu giáo thật ra rất đơn giản. Nhưng, khi con đến tuổi đi học, phát triển nhận thức tốt hơn và rõ ràng, chúng vẫn luôn cần được khen ngợi và khích lệ. Cha mẹ thầy cô không thể mãi sử dụng cách khen ngợi hô hào cỗ vũ như khi con còn nhỏ được.
Lời khen ngợi và khích lệ đúng đắn có tác dụng hỗ trợ sự tự tin, cảm giác chắc chắn, sự tự giác, khích lệ việc học hỏi, lòng tốt, và cải thiện mối quan hệ của trẻ với cha mẹ, thầy cô.
Vậy nếu bất kỳ lời khen ngợi nào nói ra cũng đều giúp đạt được các mục tiêu trên, và việc nói ra lời khen dễ dàng đến thế, thì vì sao vẫn còn tồn tại rất nhiều đứa trẻ bất ổn, mất động lực học tập, không chịu phấn đấu, bỏ cuộc trước thử thách và cả cố ý vi phạm luật lệ? Hẳn nhiên, không phải trẻ nào cũng tiếp nhận việc được khen ngợi theo cách cha mẹ mong muốn. Khi con lớn dần, ở độ tuổi cấp 1, cấp 2, và giai đoạn teenagers, cha mẹ và thầy cô cần lưu ý gì khi khen ngợi con?

CÁCH PHẢN ỨNG CỦA TRẺ LỚN VỚI LỜI KHEN

Khen ngợi (và khích lệ) không phải là nịnh bợ. Nịnh bợ là mưu mẹo và giả dối. Khen ngợi là một lời nhận xét và đánh giá chân thành tích cực dành cho một người hoặc một hành động nào đó mà người đó làm. Tuy nhiên, lời khen ngợi, ngay cả chân thành, nhưng không phù hợp hoặc không đủ ý nhị có thể gây ra sự khó chịu, lo âu, tội lỗi và cả những phản ứng tiêu cực.
Thanh thiếu niên / Tuổi teen thường phản ứng ra sao với những lời khen này:
– “Ôi con thông minh quá vậy”
– “Trời con làm […] xuất sắc thiệt đó”
– “Con là một nghệ sĩ piano thực thụ đó”
Thường thì các bạn trẻ sẽ đáp lại bằng lời phủ nhận: “Ba / mẹ chỉ nói vậy thôi… Con đâu có giỏi tới mức đó… May mắn thôi à…”
Khi con trả lời như vậy, hẳn nhiên chúng ta biết rằng con không hề tự tin hay thoải mái với những lời khen đó. Có khi con còn có phản ứng tự vệ khi chúng cảm thấy những lời khen này hình như đang mỉa mai, như những viên thuốc đắng mà chúng phải cố nuốt vào (dù rằng người lớn chúng ta không hề mang ý định mỉa mai chút nào).
Lời khen, là một lời đánh giá và nhận xét. Với nhiều người, việc “bị” nhận xét là một việc không thoải mái. Người đưa ra nhận xét thường có cả quyền đánh giá, và người “bị” nhận xét thường mang cảm giác lo âu.

LỜI KHEN NGỢI TUỔI TEEN VÀ CẢM GIÁC TỘI LỖI

Mẹ của Edna đang nằm trong bệnh viện vì 1 cơn bạo bệnh. Cô bé Eda 12 tuổi làm tặng mẹ 1 tấm thiệp với lời nhắn: “Con chúc mẹ sức khỏe. Con chúc mẹ sung túc. Con chúc mẹ hạnh phúc.”
Khi nhận tấm thiệp, người mẹ rất cảm động, nói với cô bé: “Con thật là một cô bé ngoan, lúc nào con cũng ân cần chu đáo và suy nghĩ sâu sắc.”
Edna tự thấy quặn bụng và mắc ói, đồng thời tái xanh mặt và chạy vào toilet òa khóc. Cô bé không thể chịu đựng được lời khen của mẹ. Không ai có thể biết rằng, một thời gian ngắn trước trong một lần bực tức với mẹ, cô bé đã thầm ước một điều độc ác. Chẳng may khi mẹ mắc bệnh, cô bé nghĩ rằng lời ước độc ác của mình đã thành hiện thực, và luôn canh cánh cảm giác tội lỗi trong lòng rằng mẹ bệnh là vì mình. Khi nhận được lời khen của mẹ, cô bé càng cảm thấy tội lỗi nhiều hơn.
Trong trường hợp này, người mẹ có thể nói gì? Hãy chỉ nói về tấm thiệp (đồ vật, sản phẩm), đừng nói về đứa trẻ: “Cảm ơn con nhiều nhé con gái. Mẹ thích tấm thiệp lắm, rất đẹp và nghệ thuật. Lời chúc của con nghe vần điệu thiệt, con biết làm thơ hả. Mẹ cảm thấy khỏe hơn nhiều đó!” – Edna có thể rất vui khi nghe lời này.
khen tuổi teen như thế nào

LỜI KHEN VÀ ĐỘNG LỰC CỐ GẮNG

Khi Emily làm một bài thơ, cô giáo nhận xét: “Em là một nhà thơ thực thụ đó”. Emily phản hồi rất buồn bã rằng: “Cô chỉ nói vậy thôi. Em biết còn lâu em mới trở thành nhà thơ được”.
Cô giáo không khỏi băn khoăn rằng vì sao lời khích lệ chân thành của mình lại bị cự tuyệt với phản ứng bi quan của cô học trò. Khi nhận được những lời khen phóng đại (như là nhà thơ, ca sĩ, họa sĩ, hay bất cứ danh xưng gì tương tự), trẻ tuổi teen có thể cảm thấy sợ hãi. Con có thể cảm nhận rằng bản thân bị đặt vào một cuộc cạnh tranh thực thụ và con bị buộc phải luôn thể hiện bản thân mình một cách xuất sắc để không bị thua cuộc và chê bai. Cảm giác này rất mệt mỏi và choáng ngợp.
Lời khuyên cho cô giáo: hãy chỉ nói về bài thơ, đừng nói về “nhà thơ”.
Khi Elliot viết một bài thơ về cơn gió mùa xuân, thầy giáo đã nhận xét: “Thầy đọc câu thơ của em viết “Cơn gió tràn ngập lòng tôi”, và thầy thấy như có một cơn gió nhẹ tràn vào lòng thầy luôn”. Elliot cảm thấy phấn khởi vì lời nhận xét dành cho bài thơ của mình. Bấy nhiêu là đủ cho cô bé động lực cố gắng nhiều hơn.

LỜI KHEN, XÂY DỰNG VÀ HỦY HOẠI

Lời khen ngợi, tương tự như lời phê bình, có thể mang tính hủy hoại. “Lúc nào con cũng ngoan thiệt ngoan”. “Con lúc nào cũng rộng lượng với tất cả mọi người”. Những lời khen này thường gây cho trẻ lo âu nhiều hơn là vui sướng. Trẻ bị cảm giác bó buộc rằng “Mình phải sống sao cho đúng với danh xưng này”. Nhưng trên đời này làm gì có ai mà lúc nào cũng ngoan ngoãn hay rộng lượng mãi mãi trong mọi tình huống được?
Một cậu bé 18 tuổi điền đơn vào trường đại học. Ở phần yêu cầu liệt kê điểm mạnh của bản thân, cậu bé viết: “Đôi khi em là người tỉnh táo, dũng cảm, khéo léo, thành thật, năng suất, thân thiện, nhiệt tình, hay giúp đỡ, vui tính, tử tế, trung thành, gọn gàng, nhiều ý tưởng và cố gắng hết mình.” Ở đoạn liệt kê điểm yếu của bản thân, cậu bé viết: “Cũng có đôi khi, em không làm được những điều đã kiể trên”.
Lời khen mang hàm ý đánh giá tính cách và nhân phẩm một người thường gây bất an và cảm giác khó chịu. Lời khen mang ý miêu tả nỗ lực, cố gắng, và cảm xúc của người nói thường mang ý nghĩa an toàn và mang tính xây dựng.
Khi Eric, một cậu bé 16 tuổi, hoàn thành công việc dọn dẹp sân nhà, bố cậu đã nói: “Cái sân bây giờ trông như một khu vườn nhỏ. Nhìn mát mắt ghê. Trong một buổi mà con làm được chừng đây việc luôn hả? Cám ơn con nhé!”. Người bố này đã miêu tả về khu vườn và cảm giác của chính ông. Cậu bé Eric ngầm hiểu rằng: “Mình làm tốt thiệt, bố rất hài lòng đó”

LỜI KHEN CŨNG CÓ THỂ MANG Ý NGHĨA BẠO HÀNH

Cậu bé Todd kể: “Bố em là người khá ghê gớm. Lúc nào bố muốn dìm em xuống đáy sâu, ông ấy luôn bắt đầu bằng việc nâng em lên thật cao. Rồi sau đó cho em té thật đau. Kiểu như ông ấy luôn nói: “Môn nào con học cũng giỏi, trừ môn ngoại ngữ. Không có lí do lí trấu gì hết. Phải cố gắng nhiều hơn nữa nghe chưa. Con biết phải làm gì để bố tự hào về con mà”” . Cậu bé chắc chắn luôn tự hỏi rằng: “Ủa, là mình có được khen hay đang bị đe dọa?”
Tốt nhất là người lớn đừng nên trộn lẫn lời khen và lời phê bình vào trong cùng một câu nói. Đừng “vừa đấm vừa xoa”. Nếu khen ngợi, hãy khen ngợi chân thành. Nếu phê bình, hãy phê bình thật tâm. Đừng làm rắc rối thêm cho cuộc đời tuổi teen vốn đã nhiều rắc rối rồi.

MIÊU TẢ, ĐỪNG ĐÁNH GIÁ

Hãy cố gắng nhìn nhận và sự việc một cách khách quan, đừng thiên kiến chủ quan. Diễn đạt cảm xúc, đừng quy chụp đánh giá phẩm cách của cả một con người. Hãy nhận xét thực tế về một thành tích, đừng đánh bóng quá đà thành tựu.
Việc khen ngợi trực tiếp về tính cách của một bạn trẻ đang lớn đôi khi có tác dụng như ánh nắng mặt trời trực tiếp buổi ban trưa: lóa mắt và khó chịu. Lời khen “phô trương”, không đủ tinh tế, có thể làm cho tuổi teen cảm thấy xấu hổ.
Cha mẹ, thầy cô hãy nhớ rằng, việc khen ngợi luôn luôn có 2 phần:
1. Lời nói của chính chúng ta nói ra
2. Cách nhìn nhận và suy nghĩ của bạn nhỏ khi tiếp nhận lời chúng ta nói (đây là phần chúng ta không thể can thiệp được).
Hãy nhớ rằng, dù lớn hay nhỏ, con luôn cần nhận được lời động viên và khích lệ. Khi chúng ta lớn cùng con, hãy điều chỉnh việc giao tiếp sao cho ý tứ và phù hợp với độ tuổi của con, để giúp con phát huy được cảm giác tốt đẹp ở bản thân và cái tôi tích cực.
(Trích đoạn “APPROPRIATE PRAISE” từ quyển “Between Parent & Teenager”, tác giả Haim G. Ginott, 1969)
Người dịch Tu-Anh Nguyen
Master’s in Child & Adolescent Psychology
Parent Coach & Parent Educator
from Happy Parenting
028 2208 6688