Những chú voi đang dần được ‘cởi trói’

[SG Tiếp Thị ] – Đắk Lắk là nơi có đàn voi nhà sinh sống đông nhất tại Việt Nam, do đó mà dịch vụ cưỡi voi ở đây đã dần được xem là “đặc sản” khiến nhiều du khách không muốn bỏ qua khi đã đến Tây Nguyên. Tuy nhiên chính hành động đó đã đe dọa đến sự phát triển của loài này. 
Du khách trải nghiệm tắm voi thay thế cho hoạt động cưỡi voi trước đây.

>>Khám phá tour Tây Nguyên, TẠI ĐÂY

 

BÁO ĐỘNG SỐ LƯỢNG VOI GIẢM MẠNH

‘Thú vui’ cưỡi voi được nhiều du khách tìm đến khi du lịch Đắk Lắk, nhưng ít người hiểu rằng để làm được điều này những con voi phải trải qua quá trình thuần chủng, huấn luyện khắc nghiệt và không được chăm sóc đúng cách.

Mặc dù có thân thể to lớn nhưng các chú voi vẫn là những sinh vật dễ tổn thương. Việc bị cưỡi lâu ngày sẽ gây áp lực lên xương sống và khớp của voi, làm giảm tuổi thọ và khả năng sinh sản của chúng. Không những thế, du lịch cưỡi voi còn làm mất đi tập tính tự nhiên của loài voi, khiến chúng trở thành công cụ phục vụ con người.

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), voi châu Á đã được liệt kê vào danh sách các loài nguy cấp từ năm 1986. Hiện nay, chỉ còn khoảng 35.000 – 50.000 cá thể voi châu Á trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam chỉ còn khoảng 124 – 148 cá thể voi hoang dã.

Thống kê đến ngày 18-11-2022, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn khoảng 37 con voi nhà, 80-100 voi hoang dã, giảm 90% số lượng so với năm 1980. Điều đáng quan ngại là từ 30 năm qua, Đắk Lắk chưa ghi nhận trường hợp voi nhà sinh sản thành công.

 

CỞI TRÓI ĐỂ CƯỜI CÙNG VOI

Ở các nước láng giềng như Campuchia, Chính phủ  nước này đã quyết định bãi bỏ hoạt động cưỡi voi ở Angkor từ năm 2020. Các địa phương như Mondulkiri hay Ratanakiri tự giác loại hoạt động cưỡi voi ra khỏi các trải nghiệm du lịch. Tại Lào, đất nước “Triệu Voi”, rải rác khắp đất nước, dịch vụ cưỡi voi đã dần được thay thế bằng cách kết hợp cho khách tham quan và làm tình nguyện, xây dựng các khu bảo tồn và chăm sóc voi.

Còn tại Việt Nam, một số điểm du lịch cũng đang “cởi trói” cho voi bằng cách chuyển đổi sang dịch vụ khám phá loài voi và hoạt động bảo tồn chăm sóc. Điển hình là Vườn Quốc gia Yok Đôn ở Đắk Lắk, nơi đã quyết định bỏ du lịch cưỡi voi từ năm 2018. Ở đây, du khách tham gia các chương trình du lịch bền vững với voi, nơi họ có thể quan sát voi từ xa khi chúng lang thang tự do trong rừng, hay tương tác với voi theo cách nhẹ nhàng và an toàn. Đây là một sự thay đổi mang tính nhân văn và có ý nghĩa cao trong việc bảo tồn loài voi tại Việt Nam.

Tương tự, Vinpearl Safari Phú Quốc, công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã đầu tiên và lớn nhất Việt Nam đã tạo ra trải nghiệm “Nhốt người, thả thú”. Du khách được ngồi trên xe điện an toàn để khám phá lãnh địa của những loài động vật hoang dã, trong đó có voi. Trải nghiệm này không chỉ mang lại niềm vui và kiến thức cho du khách, mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và tôn trọng động vật hoang dã.

Trong bối cảnh đó, một số ít công ty du lịch đã đẩy mạnh truyền thông cho các chương trình trải nghiệm khám phá văn hóa thú vị tại Tây Nguyên, theo một cách thân thiện hơn, nhất là đối với việc hướng đến bảo tồn loài voi như  tour “Về núi rừng – Cười cùng voi” của Công ty Image Travel & Events (thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn).

Du khách tham gia tour “Về núi rừng – Cười cùng voi” của Công ty Image Travel & Events (thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn).

Trong tour này, du khách sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động như ngồi máy cày thăm ruộng cà phê, tiêu, thăm làng đồng bào Đắk Phơi, làng M’liêng, tham gia hoạt động tắm voi, đi dạo cùng voi và cho voi ăn. Những hoạt động này phần nào giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống và văn hóa của người dân Tây Nguyên, cũng như tình yêu và sự gắn bó với loài voi của họ.

Beylier Gérard, một du khách người Pháp tham gia hoạt động “Về núi rừng – Cười cùng voi” cho hay: “Đi dạo và chăm sóc voi là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của chúng tôi tại Việt Nam. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc được gần gũi và chăm sóc món quà đặc biệt mà tạo hóa ban tặng cho con người – những chú voi châu Á. Tôi mong rằng những người bạn này sẽ luôn được quan tâm và chăm sóc tốt nhất, sống trong điều kiện thoải mái nhất”.

>> Khám phá tour “Về Tây Nguyên – Tôi cười cùng voi”, TẠI ĐÂY

 

CẦN SỰ ĐỒNG LÒNG TỪ NHIỀU PHÍA

Cần biết, quá trình chuyển đổi từ cưỡi voi sang hoạt động thân thiện với voi không hề dễ dàng, ngược lại, nó gặp phải nhiều khó khăn từ phía các chủ voi, du khách và các nhà tổ chức tour du lịch.

Thực tế, dịch vụ cưỡi voi vẫn tiếp tục hoạt động, chủ yếu phục vụ cho du khách nội địa, trong khi dịch vụ tắm và chăm sóc voi lại được nhiều khách quốc tế quan tâm. Điều này chứng tỏ nhận thức của du khách nội địa và quốc tế về việc bảo tồn loài voi còn có sự khác biệt. Nhiều du khách nội địa vẫn coi cưỡi voi là một trải nghiệm độc đáo và không muốn bỏ qua khi đến Tây Nguyên.

Hơn nữa, việc cưỡi voi chỉ mất khoảng 15 phút, phù hợp với lịch trình vội vàng của khách Việt, trong khi các dịch vụ mới như tắm voi hay đi dạo cùng voi lại tốn nhiều thời gian hơn.

Hướng dẫn viên du lịch, anh Nguyễn Đức Hiếu Nhân cho biết: “Chương trình chăm sóc và đi dạo cùng voi kéo dài khoảng 3 tiếng, do đó khách Việt đi theo đoàn thường không có đủ thời gian trải nghiệm. Ngoài ra, giá gói tour tham gia chăm sóc voi còn cao, do loại hình mới, nên nhiều người ngần ngại. Ngược lại, khách Pháp của công ty chúng tôi lại vô cùng hào hứng”.

Việc ngừng cưỡi voi là một thách thức lớn cho các nhà tổ chức tour du lịch, khi họ phải tìm cách lồng ghép các dịch vụ mới vào trong các tour, đồng thời phải thuyết phục được du khách nội địa chấp nhận chuyển đổi thói quen. Một nguyên nhân khác là mô hình đưa voi đi bảo tồn mà các tổ chức bảo vệ động vật đang vận động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các chủ voi.

Theo truyền thống, sở hữu voi là biểu hiện của sự giàu có và một con voi có thể mang lại khoảng 40 – 50 triệu đồng mỗi tháng cho chủ nhân của nó. Tuy nhiên, việc nuôi voi cũng đắt đỏ không kém, mỗi con voi tiêu thụ từ 2 – 3 tạ thức ăn mỗi ngày. Mặc dù Tổ chức động vật châu Á (AAF) đã cam kết hỗ trợ hơn 55 tỉ đồng trong 5 năm, từ 2022 đến 2026, để giúp các chủ voi chuyển đổi mô hình. Nhưng theo các chủ voi, số tiền này chưa thỏa đáng để bù đắp cho thiệt hại về thu nhập và chi phí chăm sóc voi một cách đầy đủ.

Dịch vụ khám phá loài voi và hoạt động bảo tồn chăm sóc là một ý tưởng du lịch tiềm năng, phù hợp với tầm nhìn mới về du lịch bền vững của ngành du lịch thế giới, mang lại lợi ích cho cả con người và động vật, góp phần bảo vệ loài voi – một loài động vật rất có nguy cơ biến mất. Việc này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống của loài voi, mà còn tăng cường hình ảnh của Việt Nam trên thế giới như một điểm đến du lịch có trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường.

Ngược lại, nếu chúng ta không thực hiện thay đổi sớm, ắt hẳn du khách quốc tế với tinh thần bảo vệ sinh thái ngày càng mạnh mẽ sẽ dần bỏ Việt Nam mà đi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không thể tránh khỏi những khó khăn ban đầu và cần được thực hiện theo giai đoạn. Do đó, cần có sự phối hợp mạnh mẽ giữa các bên liên quan nhằm tìm ra những giải pháp, quy định cụ thể và hiệu quả nhằm khuyến khích du khách và cộng đồng địa phương cùng “cởi trói” cho voi.

 

Trần Ngọc Phương Hà

Giám đốc Truyền thông Image Travel & Events

 

Theo báo SaiGon Tiếp Thị

028 2208 6688