10 món đặc sản trứ danh đất An Giang

Là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa vì thế món ăn đặc sản An Giang rất đa dạng và phong phú, nhưng vẫn mang đậm hương vị đặc trưng của ẩm thực vùng sông nước Tây Nam Bộ.

Hãy cùng Image Travel & Events khám phá nhé!

1. Mắm Châu Đốc

10 món đặc sản trứ danh đất An Giang
Ảnh: Nguyễn Long

Nói đến đặc sản An Giang, nổi tiếng trên hết phải là mắm. Châu Đốc được mệnh danh là xứ sở của mắm. Châu Đốc có rất nhiều loại mắm, những loại mắm ngon từ cá nước ngọt như mắm cá lóc, cá sặc, cá linh, cá rô phi… 

Tùy vào cách làm và bí quyết riêng của mỗi người, mỗi nơi mà mắm sẽ cho ra một hương vị khác nhau. Mắm có vị mặn được dùng để nấu lẩu, làm bún mắm, chưng với thịt, hay ăn kèm rau sống, dưa leo, đậu rồng hay đơn giản nhất vẫn là trộn mắm với một ít gia vị như đường, tiêu, bột ngọt, tỏi rồi ăn kèm với cơm trắng.

2. Tung Lò Mò Châu Phong

10 món đặc sản trứ danh đất An Giang
Ảnh: I.T

Tung Lò Mò là tên gọi của món Lạp xưởng bò, loại lạp xưởng đặc biệt của người Chăm theo đạo Hồi ở An Giang. Đây là món ăn truyền thống của người Chăm và vì thế nó có vị lạ miệng không giống với ấm thực Việt Nam. 

Tung Lò Mò được làm ra tại các khu dân cư Hồi giáo dọc các con đường ở Châu Phong. Được làm từ thịt bò và ruột bò, Tung Lò Mò có vị chua và dai dai, đồng thời cũng có vị ngọt pha lẫn vị béo của mỡ bò. Tung Lò Mò ăn ngon nhất là khi nướng trên bếp than, ăn cùng với rau răm, tương ớt…

3. Đường thốt nốt

Cũng là một biểu tượng của đặc sản An Giangđường thốt nốt có vị ngọt khác hoàn toàn với đường mía thông thường. Đường thốt nốt có hai dạng là dạng nước đường sánh và dạng viên. Đường thốt nốt nổi tiếng ngoài thơm ngon, chế biến các món ăn cho hương vị đậm đà mà còn có hàm lượng dinh dưỡng cao, cho các công dụng rất tốt với sức khỏe khi sử dụng như gia tăng lượng huyết sắt tố, trị được chứng thiếu máu, lại có tác dụng điều chỉnh hệ thống thần kinh… 

Đường thốt nốt thơm và ngọt dịu, thường sử dụng để nấu chè. Cư dân địa phương sử dụng đường thốt nốt làm nguyên liệu món ăn thay cho đường mía.

4. Gỏi sầu đâu khô sặt

10 món đặc sản trứ danh đất An Giang
Ảnh: yong.vn

Gỏi sầu đâu có thể nói là đặc sản nổi tiếng nhất của An Giang. Sầu đâu là loại cây hoang dã, mọc nhiều ở An Giang, Kiên Giang… Thân cây cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát; hoa thì ít đắng hơn và thơm. 

Một đĩa gỏi sầu đâu gồm thịt ba rọi luộc, tôm sú luộc, khô sặt rằn nướng, dưa leo, xoài xanh và thành phần quan trọng nhất là đọt sầu đâu non đã được trụng nước sôi đem trộn đều với nước mắm ớt chua ngọt. Vị béo của thịt, vị ngọt của tôm, vị chua của me chín hòa lẫn vị đắng hậu ngọt của lá sầu cộng với vị cay của ớt, ăn tới đâu thấm tới đó. Một món ngon có cả vị cay, đắng nhưng sẽ làm cho thực khách khó quên trong đời.

5. Lẩu mắm Châu Đốc

10 món đặc sản trứ danh đất An Giang
Ảnh: viettravelo

Châu Đốc vốn nổi tiếng với các loại mắm, chính vì thế những món ăn làm từ mắm ở đây rất phong phú và lẩu mắm là một đặc sản nức tiếng tại đây. Những loại mắm dùng để nấu lẩu là mắm các sặc, cá chốt… Hai loại mắm này có vị ngọt và mùi hương rất kích thích. 

Nước lẩu được nấu cùng với cá basa, cá kèo, cá bông lau, cá lóc… (ngon nhất là cá kèo và cá basa). Để gia tăng sự phong phú của món ăn người ta cho vào cả chả cá và thịt ba rọi. Lẩu mắm ăn kèm với cà tím cắt khúc, bông so đủa, điên điển, bông súng… và bún tươi. Món lẩu mắm có vị mằn mặn của mắm, vị ngọt của cá vùng sông nước và các loại rau giá… hòa quyện tạo nên ấn tượng khó phai. 

6. Bún cá

10 món đặc sản trứ danh đất An Giang
Ảnh: Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam

Món bún cá Châu Đốc và bún cá Long Xuyên là đặc sản trứ danh của vùng đất An Giang. Món ăn này được bán ở nhiều nơi nhưng ngon nhất là ở Châu Đốc, Long Xuyên và Tân Châu. Người dân ở đây quen gọi bún cá là bún nước lèo. Mỗi nơi đều có vị bún cá đặc trưng, ở Long Xuyên vị bún nhạt và thơm mùi nghệ, ở Tân Châu và Châu Đốc bún cá có vị đậm đà hơn. 

Món bún cá ngon nhất là khi được nấu bằng cá lóc (cá quả), người ta có thể thay thế bằng cá kèo, tuy nhiên cá lóc làm cho món bún có hương vị đặc trưng. Nước dùng ngọt được ninh từ xương gà, rau giá ăn kèm với bún cá nước lèo rất đa dạng, đó có thể là rau muống bào, bắp chuối bào sợi, giá, rau răm và bông điên điển. Vào mùa nước nổi điên điển mọc rền khắp vùng sông nước, đó là mùa mà bún cá ngon nhất.

7. Bánh bò thốt nốt

10 món đặc sản trứ danh đất An Giang
Ảnh: ST

Bánh bò thốt nốt có thể được xem là đặc sản An Giang. An Giang nổi tiếng với đặc sản đường thốt nốt, bánh bò được làm từ đường của cây thốt nốt nên có vị ngọt không gắt và có màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh bò thốt nốt có 2 loại là bánh bò khô và bánh bò ăn kèm với nước dừa. Ở Châu Đốc và Tân Châu là hai nơi bán nhiều bánh bò thốt nốt. Đặc biệt bánh bò thốt nốt có chan nước dừa beo béo rất nổi tiếng ở Tân Châu.

8. Bánh tằm bì Tân Châu

10 món đặc sản trứ danh đất An Giang
Ảnh: viettravelo

Bánh tằm bì là một món ăn ngon đặc sắc của Tân Châu. Điểm nhấn chính là bì thịt và viên xíu mại thơm béo trong đĩa bánh tằm. Bánh tằm là những sợi bánh làm từ bột độ giòn và béo hơn so với bánh canh. Bánh tằm thường được ăn kèm với thịt xíu mại, thịt nướng và bì. Khi ăn thì chan nước cốt dừa béo và nước mắm chua ngọt. Món ăn này là sự tổng hòa của vị mặn, vị béo, vịt ngọt và vị cay của ớt.

9. Bánh xèo rau rừng

10 món đặc sản trứ danh đất An Giang
Ảnh: viettravelo

Bánh xèo thì nơi đâu cũng có, nhưng món bánh xèo ở vùng Núi Cấm, Núi Sam của Châu Đốc lại đặc biệt hơn cả. Điểm đặc biệt của bánh xèo chính là ở đĩa rau rừng ăn kèm. Các quán bán bánh xèo sẽ lấy rau sạch và rau thiên nhiên trên núi Cấm để làm nên một đĩa rau phong phú với hơn 20 loại rau rừng. Đó có thể là lá của cây xoài, rau tía tô, xà lách các loại cho đến các loại dưa giá rất phong phú. Bánh xèo chỉ bao gồm thịt ba rọi, giá và tép như hầu hết những vùng khác, tuy nhiên lại thu hút được nhiều người bởi cái phong vị thiên nhiên và lạ miệng của các loại rau rừng.

10. Xôi Xiêm

10 món đặc sản trứ danh đất An Giang
Xôi xiêm bắt nguồn từ Campuchia. Ảnh: anchoiodau.com

Xôi xiêm là món xôi của người Campuchia, nó có vị ngọt và béo đặc trưng của sầu riêng, đậu xanh và nước dừa. Món xôi xiêm là điển hình của việc giao lưu văn hóa ẩm thực giữa Việt Nam và Campuchia. Món xôi xiêm ngon nhất là ở vùng Tân Châu, thành phần cơ bản của xôi xiêm bao gồm gạo nếp đồ xôi, đậu xanh, trứng gà và nước dừa. Xôi xiêm ngày xưa được gói trong lá chuối hoặc lá sen, có vị ngọt và béo đậm đà, vừa tỏa mùi hương thơm của lá thiên nhiên.

Theo VOV

 

028 2208 6688