Tết Nguyên Đán là một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Tết bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, hi vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công. Không chỉ là thời gian để nghỉ ngơi, sum họp gia đình, Tết Nguyên Đán còn là dịp vô cùng quan trọng để hướng về nguồn cội, ông bà, tổ tiên, các vị thần linh đã ban phước lành cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy các lễ cúng ngày Tết truyền thống có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
1. Lễ cúng Ông Công Ông Táo – Mở đầu cho các lễ cúng ngày Tết
Theo quan niệm dân gian, Ông Công, Ông Táo là vị thần được thiên đình cử xuống để cai quản việc bếp núc, nhà cửa. Ông Táo cũng chính là người đại diện cho sự ấm no hạnh phúc của một gia đình, gia đình ấy có sung túc, hạnh phúc, no ấm hay không là phụ thuộc vào bữa cơm gia đình. Cứ vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng. Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng ông Công ông Táo để tiễn về chầu trời, đặc biệt trong nghi lễ này không thể thiếu mũ, áo mã bằng giấy và một hoặc ba con cá chép vàng được thả trong một chậu nước để ông Táo cưỡi về trời.
Theo phong tục dân gian, sau 7 ngày kể từ 23 tháng Chạp, tức là vào ngày 30 tháng Chạp, chúng ta sẽ làm lễ rước Ông Táo về nhà. Thời gian cúng từ 23 giờ đến 23 giờ 45 phút ngày 30 Tết, lễ vật chuẩn bị giống như lễ tiễn Ông Táo về trời.
2. Cúng Tất niên cuối năm
Cúng Tất niên là một nghi thức nhằm đánh dấu kết thúc một năm cũ và chuẩn bị bước sang năm mới. Không chỉ thể hiện đời sống tâm linh, sự tưởng nhớ đến các bậc tổ tiên của con cháu mà lễ cúng Tất niên còn là dịp các gia đình quây quần bên nhau sau một năm tất bật. Chính vì thế lễ cúng Tất niên luôn là một trong những ngày lễ trọng đại cần được kế thừa và phát huy.Mỗi vùng miền sẽ có quan niệm cúng tất niên khác nhau chính vì thé tùy thuộc từng nơi bạn có thể tiến hành tiệc tất niên hay cúng tất niên theo đúng nghi lễ cùng miền.
Thông thường thì cúng Tất niên được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm là ngày 30 tháng chạp hay 29 tháng chạp. Tuy nhiên điều này không bắt buộc, tùy thuộc vào điệu kiện gia đình cũng như nhiều gia đình muốn tổ chức họp mặt có thể chọn vào những ngày khác nhân dịp cuối năm đều được. Các gia đình có thể cúng tất niên trước đó nhưng lễ cúng phải đảm bảo chu toàn và thành tâm.
Sự tích ông Công ông Táo
Mâm cơm cúng tất niên thực tế không cần quá cầu kì, quan trọng nhất vẫn là thể hiện được tấm lòng cũng như sự chi ân của mỗi gia đình. Mâm cỗ mặn được bày biện trang nghiêm gồm những món ăn đặc trưng của ngày Tết như, canh mọc, canh măng, gà luộc, nem rán, bánh chưng, bánh tét… Tùy mỗi vùng miền sẽ có sự chuẩn bị mâm cỗ mặn khác nhau.
3. Lễ cúng Giao thừa
Nghi thức cúng giao thừa có ý nghĩa vô cùng đặc biệt và quan trọng đối với người Việt Nam. Lễ cúng này còn thường được gọi là lễ cúng trừ tịch hay “tống cựu nghinh tân” nhằm tiễn các vị Thần linh năm cũ và đón chào các vị Thần linh của năm mới. Người ta thường chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng ngoài trời và trong nhà để nghênh đón tài lộc và cầu giao đạo bình an.
Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời thường gồm: 1 bát hương với 3 nén to, đĩa trái cây, hoa tươi, trầu cau, 2 ngọn nến, gà luộc, bánh, mứt, kẹo và trà rượu. Trong khi đó mâm cỗ cúng trong nhà có thể là mâm mặn bao gồm: Bánh, xôi đậu xanh, giò chả hoặc mâm ngọt gồm có bánh, mứt, kẹo, hoa quả.
4. Lễ cúng Tân niên
Lễ cúng Tân niên nhằm cầu mong ông bà, tổ tiên và các bậc thần linh ban cho phước lành, may mắn, giúp gia chủ có một năm mới an khang, thắng lợi. Lễ cúng có thể diễn ra vào buổi trưa hoặc buổi chiều mùng 1, tùy từng gia đình.
Mâm cỗ có tuỳ biến theo điều kiện từng gia đình, nhưng không thể thiếu các món ăn cơ bản ngày Tết là bánh chưng, xôi, gà, giò, thịt lợn,… Trong ngày mùng 1, người ta thường kiêng cử sát sinh, nên việc chuẩn bị gà cúng sẽ được tiến hành vào đêm trước. Sau khi cúng xong con cháu thụ lộc tổ tiên rồi mới đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng, bạn bè.
5. Lễ Cúng Chiêu Điện và Tịch Điện
Lễ cúng chiêu điện và tịch điện đều là làm cơm cúng mời ông bà tổ tiên ăn cùng con cháu. Chiêu điện và tịch điện là lễ cúng buổi sớm và buổi tối, nghĩa là “sớm mời ông bà tổ tiên dậy mà ăn, tối mời ông bà tổ tiên đi ngủ”. Điều này có nghĩa là sau khi mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu thì phải hiếu kính đầy đủ. Cỗ cúng có thể mặn hoặc chay tuỳ theo phong tục từng gia đình.
Nhà nào có thờ Phật thì bắt buộc phải chuẩn bị mâm cúng chay dâng Phật. Các món trong mâm cỗ mặn cũng được tuỳ biến theo điều kiện từng gia đình, nhưng không thể thiếu các món ăn cơ bản ngày Tết là bánh chưng, xôi, gà, giò, thịt lợn…Ngày mùng 1 Tết kiêng sát sinh, nên gà sẽ được làm thịt từ ngày hôm trước. Tuỳ từng hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà các mâm cỗ cúng lớn nhỏ khác nhau, nhưng tựu chung đầy đủ 4 món cơ bản là: bánh chưng, thịt lợn, dưa hành và cơm tẻ.
6. Lễ Cúng Hóa Vàng
Ông bà xưa quan niệm ăn Tết 3 ngày, nên ngày mùng 3 thường là ngày cuối cùng của Tết. Vào ngày này sẽ làm lễ cúng hoá vàng để tiễn ông bà tổ tiên, đồng thời đón thần tài, thần lộc. Sau khi cúng hóa vàng, người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng. Trong bữa cơm hóa vàng, con cháu tề tựu đầy đủ, thân mật và sau đó chia tay, chấm dứt mấy ngày tết.
Những chia sẻ trên đây hi vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ và chuẩn bị thật chu đáo cho các lễ cúng ngày Tết đã đến cận kề.
Nguồn: Sưu tầm
Tìm hiểu thêm thông tin tại Chương trình du lịch Tết