Bao giờ mới thôi “sắp xếp lại giang sơn”!
Tôi sinh ra và lớn lên đến 17 tuổi là ở ngay chân núi đền Hùng, cứ vài ba ngày lũ trẻ trâu chúng tôi lại rủ nhau lên núi. Ngày ấy, gần 50 năm trước (nghe mà xa ngái), khu vực đền Hùng còn xanh cây tốt lá lắm cơ. 99 ngọn núi là rừng cây cao, mà cả khu vực trung du đều một màu xanh ngăn ngắt.
Núi Nghĩa Lĩnh nơi vua Hùng đời thứ nhất chọn làm nơi thờ cúng trời đất “kinh thiên” là một quả núi không cao nhưng rất thiêng, bao phủ bởi rừng cây rậm rạp nhiều tán, cao thì có chò chỉ, trung thì mít, tre, giang, cọ, nứa, thấp thì xim, mua. Ngày ấy nơi này còn có nhiều chim, thú hoang lắm. Ngọn núi này rất linh thiêng, các đền miếu tuy nhỏ nhưng thâm trầm, rêu phong, u tịch.
Với người dân đất Phong Châu thì Đền Hùng rất linh thiêng, nhưng thân thuộc, dường như cả cái vùng đất này chìm trong huyền sử. Rồi đến một ngày, Đền Hùng trở thành nơi quốc tổ và quốc lễ thì cây xanh lớn bé theo nhau đi dần. Ở đền Hùng, đầu tiên là bê tông hóa bề mặt từ sân đền miếu, sau đó là đường đi, rồi tiếp nữa là xuống chân núi, lan đến các làng xóm xung quanh (nay vùng này thuộc thành phố Việt Trì).
Ngoài bốn ngôi đền Hạ, Trung, Thượng và đền Giếng có từ thời nhà Đinh ra thì xuất hiện rất nhiều công trình xây dựng hoành tránh mới toanh, như Đền Quốc mẫu Âu Cơ, Đền thờ Lạc Long Quân, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thời nay, trung tâm văn hóa lễ hội, nhà bảo tàng, quảng trường lớn.
Cùng với vô thiên khách sạn, nhà nghỉ của Nhà nước và tư nhân, nhà hàng, bãi giữ xe bao la chính thức của Nhà nước, chưa kể cơ man nào là đền, miếu, phủ của tư nhân mọc lên.
Từ dạo mọi chuyện cứ chẻ hoe, tống hống ra từ không gian bị giải thiêng đến việc huyền sử bị bóc tách ra theo kiểu mọi thứ phải “open” thì hệ quả là vào ngày thường nơi này vắng teo vắng tóp, mấy ông từ trông đền chỉ ngồi ngáp vặt, chỉ vào tuần lễ Giỗ Tổ ngày 10-3 Âm lịch thì đền Hùng mới có khách ùn ùn đổ về.
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận người Pháp là những người đầu tiên đưa mô hình thành phố hiện đại theo kiểu phương Tây đến Việt Nam, bắt đầu cho một tiến trình đô thị hóa lần thứ nhất.
Chợt liên tưởng đến khu đền Angkor Wat của Campuchia, 365 ngày hầu như ngày nào cũng có hàng chục ngàn người đến thăm viếng, cứ nườm nượp từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối.
Điều gì hấp dẫn du khách?
Chắc chắn ngoài đền đài cổ kính ra thì còn là cây xanh, cảnh quan, hồ nước, và những cánh rừng nguyên sinh xung quanh khu vực các đền được bảo tồn gần như nguyên trạng, tỷ lệ bê tông hóa rất thấp, nghe nói dưới 3%, chủ yếu là dành cho đường giao thông. So với ngày xửa ngày xưa thì chắc hẳn nó cũng có phần thay đổi, nhưng phần bí ẩn, linh thiêng vẫn còn hấp dẫn lắm.
Năm 1858, người Pháp đến Việt Nam, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận họ là những người đầu tiên đưa mô hình thành phố hiện đại theo kiểu phương Tây đến Việt Nam, bắt đầu cho một tiến trình đô thị hóa lần thứ nhất. Các thành phố mang dáng dấp thành phố của nước Pháp lần lượt ra đời như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo và các khu vực trung tâm của Sài Gòn, Hà Nội.
Người Pháp rất thân thiện với tự nhiên.
Làm cả một thành phố như Đà Lạt nhưng dường như họ không xâm phạm đến tự nhiên, các ao hồ, rừng cây, núi đồi vẫn vậy, không san núi, bạt đồi, lấp hồ. Các công trình kiến trúc nương theo tự nhiên, các con đường uốn lượn theo thế dốc, sườn đồi, tạo nên những thành phố ẩn hiện trong rừng, các công trình kiến trúc nằm dưới tán cây.
Thời gian gần đây rộ lên hình ảnh trên báo chí về chuyện vào cuối tuần thành phố Tam Đảo ken kín người, xe và nhà cửa san sát, không khí mát mẻ bị giảm đi, vậy là thành phố cuối cùng của di sản kiến trúc thuộc địa bị bê tông hóa hoàn toàn mất rồi, bây giờ Sapa cũng chả khác gì Hà Nội, TPHCM. Bê tông hóa quá mức nên Sapa khát nước; Đà Lạt, Phú Quốc bị ngập nước nghiêm trọng, nhiều ngày là điều mà người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không hình dung ra được.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước
Một tư tưởng lớn xuất hiện trong xã hội Việt Nam, ấy là “thay trời chuyển đất, sắp xếp lại giang sơn”, là thay thế “thần Nữ Oa nặn lại đất và dịch chuyển nước”. Chỉ sau chừng nửa thế kỷ, những cuộc sắp xếp giang sơn khi khoan khi nhặt như thế đã làm thay đổi hẳn diện mạo của đất nước và đời sống của người dân.
Để được danh mục gần 1.000 đô thị lớn nhỏ, đất nước này phải đánh đổi bằng cái giá vô cùng đắt đỏ, đó là tài nguyên bị khai thác cùng kiệt, hệ sinh thái tự nhiên vốn cân bằng hàng triệu năm bị phá vỡ gần như hoàn toàn. Có những cái bé nhỏ như hạt cát mà nay cũng không còn mấy. Có những vùng núi đá vôi trùng điệp ở Ninh Bình, Kiên Giang thế mà nay kiếm một lấy một cục để trưng xem ra cũng khó.
Trước 1975
Tác giả bài viết này đã từng đi dọc Trường Sơn, đóng quân ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, khi ấy mới hiểu thế nào là “rừng che bộ đội”, đi nhiều ngày mà ngẩng mặt lên không thấy mặt trời là chuyện thực. Nếu ngày ấy Tây Nguyên tan nát như bây giờ thì không có sư đoàn chủ lực nào trụ nổi, chắc chắn là bị lũ lụt cuốn trôi hết và máy bay UH 1A của Mỹ lượm từng người lính giải phóng rồi, bởi còn rừng đâu mà trú nấp.
Hôm rồi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rừng bị tàn phá là do Mỹ rải chất độc da cam mà ngao ngán. Đúng là có chuyện những cánh rừng bạt ngàn bị rụng hết lá sau khi Mỹ rải hóa chất diệt cỏ, rụng lá cây nhưng chỉ sau một mùa mưa là cây lại xanh tốt trở lại.
Không biết ai là người đầu tiên phát ngôn rằng bà con người dân tộc ít người như Raglai, K’Ho, M’Nông, Mạ, Xtiêng, .. là người “phá rừng, đốt rẫy”, kiểu sống du canh du cư làm tổn hại đến Tây Nguyên. Những kiểu nói đại loại như thế riết rồi trở thành “kinh điển chính trị”, ngày nay vẫn còn trong giáo trình, báo cáo, luận văn, luận án.
Thật sự thì bà con dân tộc không “phá” mà cũng không “khai thác” gì cả.
Họ lấy đi một vài cái cây, dăm ba con thú cũng chỉ là tỉa cây cho bớt dày, bớt thú thừa trong đàn thú rừng đông đúc… Nếu nói theo lý thuyết của Darwin thì chính họ là người góp phần làm cho tự nhiên luôn trong trạng thái cân bằng, như các động vật khác mà thôi. Mấy trăm ngàn bà con người dân tộc có thấm tháp gì đâu so với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.
Năm nay họ đốt mảnh rừng nhỏ này làm rẫy, bốn – năm năm sau, khi đất bạc màu thì dời đi, họ dời ba lần xong quay về chỗ cũ thì rừng lại hoàn nguyên như xưa. Cái miếng đất họ làm rẫy đó bé như cái hạt tấm so với Tây Nguyên xanh mênh mông, mà như giới khoa học nói nếu dùng GIS thì bất quá cũng bằng cái đầu bút chì. Sau năm 1990, hàng triệu người di dân theo kế hoạch và di dân tự do vào Tây Nguyên đã làm cho bức tranh màu xanh chuyển dần sang màu đỏ quạch.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đồng nghĩa với phá rừng trồng cây cà phê, tiêu, điều, cao su, cộng thêm gần 300 đập thủy điện cả lớn, nhỏ và vừa đã làm đảo lộn hoàn toàn hệ sinh thái mà những trận lũ lụt dữ dội, lở đất kinh hoàng năm 2020 là hậu quả của việc “khai thác” vô tội vạ.
Các thành phố, thị xã, thị trấn mọc lên khắp nơi, cả vùng đất rộng lớn với thảm cỏ, cây xanh lúp xúp và lớp thực bì dày giữ nước bị xé nhỏ ra thành triệu mảnh li ti bởi hàng ngàn trục đường giao thông ngang dọc. Tôi đã ngồi bên một quán nhỏ trên đường Hồ Chí Minh trong dịp hành hương quay về chiến trường xưa. Quán không có khách, và đường cũng vắng xe cộ, những cánh rừng bạt ngàn với những cây đại thụ hai ba người ôm không xuể chỉ còn là chuyện cổ tích.
Đã có lần, tôi dò tìm xem trên dải đất hình chữ S này chỗ nào mà không bị bê tông hóa. Hình như là không còn nữa. Có lẽ Phú Quốc là mảnh đất ra tấm ra miếng cuối cùng còn tình trạng nguyên thủy bị đô thị hóa. Chính phủ cho đóng cửa rừng, thôi không làm thủy điện nhỏ nữa, nhưng thực sự tất cả đã quá muộn.
Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước
Khi ấy vùng trung du quê tôi rừng xanh bao phủ khắp nơi. Có một ngày nọ, một số vị lãnh đạo của tỉnh Phú Thọ đã đưa ra một sáng kiến rằng phá bỏ rừng đi trồng sắn, phơi khô rồi xuất sang các nước xã hội chủ nghĩa là khá giả ngay.
Vậy là cả tỉnh kéo nhau đi phá rừng trồng sắn. Mùa thứ nhất củ còn bằng chuôi dao, đến mấy mùa sau không có củ mà chỉ có rễ vì đất màu trôi xuống chân đồi. Thế là chiến dịch trồng sắn bị tan tành, còn cả tỉnh Phú Thọ được thừa hưởng đặc sản là đồi trọc.
Đứng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nơi làm lễ “kinh thiên” của 18 đời vua Hùng mà phóng tầm mắt ra xa thấy 99 ngọn đồi như 99 con voi hướng về ngọn núi thiêng đều là đồi trọc toàn sỏi đá. Dẫu sao cũng có cái may là ngày ấy, các vị quan đầu tỉnh chừa ngọn núi này không trồng sắn nên nó còn chút màu xanh.
Tôi biết điều này, vì ngày ấy tôi là một trong số các thiếu nhi đánh trống, khua chiêng cổ vũ đi phá rừng trồng sắn. Những ngày gần đây, có dịp về quê lại thấy con cháu giống hệt như mình ngày xưa, cổ mang khăn quàng đỏ, tay gióng trống cổ vũ nhau đi phủ xanh đồi trọc bằng các loại cây dứa (miền Nam gọi là khóm), và bạch đàn.
Bao giờ mới thôi “sắp xếp lại giang sơn”? Không biết thế hệ hôm nay trao truyền di sản gì cho thế hệ mai sau?
Nguyễn Minh Hòa – Nhà đô thị học