Bún nghệ xào lòng, nỗi nhớ xa quê của người con xứ Huế

Miền Nam bây giờ đang vào mùa mưa. Sáng đi làm trời nắng như thiêu, chiều tan ca trở về lại mưa như trút. Thời tiết chợt nắng, chợt mưa thất thường nên dễ khiến thể trạng đuối sức, thường bị ho cảm hay viêm họng. Những lúc bị bệnh như thế này, giá mà ở quê thì tôi đã được mạ làm cho món bún nghệ xào lòng xứ Huế ăn để chữa trị cơn ho đang hoành hành trong cơ thể. Chỉ mới nghĩ đến thế mà bỗng nghe lòng rưng rưng nhớ…

bún nghệ xào lòng Bún nghệ xào lòng của mạ luôn là một thức quà tuyệt vời

Mạ tôi vốn thế, hễ mỗi khi chị em tôi đứa nào bị ốm mấy bệnh lặt vặt như đau bụng, nhức đầu, cảm cúm, ho… thì hiếm khi chúng tôi phải sử dụng thuốc tây để chữa trị. Mà thay vào đó sẽ được mạ nấu cho mấy món ăn như trứng gà kho lá mơ, cháo ngải cứu, canh bí ngô, chè ném hay bún nghệ xào lòng… để trị bệnh. Cách đuổi bệnh kiểu này của mạ vừa hiệu quả, lại không sợ bị các tác dụng phụ khác như khi uống thuốc.\

Vị thuốc truyền thống

Nhớ ngày còn thơ, vì thích ăn món bún nghệ xào lòng của mạ mà thằng em tôi cứ hay viện cớ mới dầm mưa dãi nắng xong dễ bị ốm nên phải ăn ngay bún nghệ để phòng bệnh. Những lúc ấy, mạ lại sờ trán từng đứa, rồi cười vui: “Thèm bún nghệ răng không nói sớm để mạ đi chợ, chứ giờ chợ tan rồi. Thôi đợi ngày mai mạ làm món này cho”. Chỉ cần nghe vậy là tất cả bọn tôi đều thích chí đồng thanh hô lớn: “Dạ, nhất trí rứa ạ”.

cách làm bún nghẹ

Sơ chế món ăn

Mới tờ mờ sáng hôm sau khi cả nhà đang còn say giấc, mạ đã thức dậy, dắt chiếc xe đạp phượng hoàng cũ kỹ đạp gần cả chục cây số lên chợ. Hàng sớm mai nên mọi thứ đều còn tươi ngon. Mạ chọn mua lòng lợn với các bộ phận gồm ruột non, ruột già, gan và huyết. Sau đó mua bún và mớ nghệ tươi, củ hành tây cùng mấy trái chanh, ớt, bó rau răm, hành ngò. Và không quên mua thêm vài gói kẹo cau làm quà cho mấy đứa con thơ đang ngóng đợi ở nhà.

Lòng lợn sau khi mua về, mạ đổ nước vào phần ruột cho trôi bớt những màng nhớt bám bên trong. Sau đó lại lấy chiếc đũa lộn ngược rồi xát muối hột và vắt chanh vào chà bóp kỹ. Làm đến khi nào phần ruột từ màu ngà chuyển sang màu trắng mới rửa sạch và lộn ruột lại như ban đầu. Mạ dặn rằng, nếu sơ chế lòng không kỹ thì lúc nấu sẽ có mùi hôi, ăn mất ngon, lại không đảm bảo vệ sinh.

Khi lòng đã sạch thì xắt thành miếng vừa ăn, rồi ướp các gia vị cho thấm. Trong đó lượng tiêu và ớt ướp cùng hơi nhỉnh chút. Về phần nghệ thì cạo vỏ, rửa sạch, rồi cho vào cối giã nhuyễn. Mỗi lúc hoàn thành xong công đoạn này thì đôi bàn tay mạ đã chuyển sang vàng khè. Phải mất mấy ngày sau màu nghệ mới dần phai sạch.

Chế biến món ăn

Mạ bắc chảo lên bếp, đổ chút dầu. Khi dầu sôi thì cho nghệ vào phi ngả màu, sau lại cho tiếp lòng vào xào đảo đều. Đến khi lòng chín săn lại liền cho bún vào đảo nhanh tay cho toàn sợi bún trắng nõn chuyển sang nhuốm vàng và nêm lại mắm muối cho thấm. Trước khi tắt lửa, mạ rắc hành tây, cùng rau răm, hành ngò đã thái vào để tăng vị thơm ngon cho món ăn. Gian bếp nhỏ lúc này cứ náo nức một mùi hương no ấm. Chị em tôi lượn lờ quanh chân mạ với chiếc bụng đang réo òng ọc để chờ hiệu lệnh sắp bát đũa dọn ăn.

Trên chiếc chiếu lác đã sờn sợi, những đứa trẻ nghèo khó ấy cứ dán mắt vào chảo bún nghệ với sự háo hức chờ thưởng thức. Vị béo của lòng, nồng của nghệ, thơm của rau răm và hành ngò, dẻo của sợi bún, cộng thêm vị cay của ớt, tiêu… ăn vào cứ để lại dư vị ngọt nhẹ, chút đăng đắng, tê tê nơi đầu lưỡi. Bọn tôi vét sạch chảo đến những miếng cháy vụn vỡ dính dưới đáy cuối cùng mà vẫn còn thòm thèm lắm.

Tác giả: Yên Vân

Thừa Thiên Huế Online

Liên hệ tư vấn
028 2208 6688