Bún đậu xanh – đặc sản “đất võ” Bình Định

Cũng như các đặc sản bình định khác, bún song thằn đã xuất hiện từ rất lâu và có nguồn góc từ làng An Thái. Người dân nơi đây làm bún từ một công thức gia truyền. Sở dĩ có tên gọi bún “song thằn” là vì khi làm bún, người thợ thường bắt thành từng đôi một nên nhiều người đọc thành “song thằn”.

Còn theo cách lý giải khác, bún giàu dinh dưỡng và vị ngon lạ được các vua thời Nguyễn ưa chuộng, nên những người thợ được triệu về kinh đô Huế làm tại chỗ. Tuy nhiên, bún làm trong kinh thành không ra vị gốc, bởi thiếu gió nước sông Côn. Từ đó, người dân gọi bún là “sông thần”, sau đọc trại đi thành “thằn”. Dân gian còn gọi là bún tiến vua.

Không chỉ bị ấn tượng bởi cái tên gọi nghe có phần ngộ nghĩnh mà trên hết chính là cái vị ngọt thanh quyến rũ của món ăn này. Điều tạo nên sự khác biệt cho bún song thằn so với các loại bún phổ biến khác đó là sợi bún được làm từ bột đậu xanh thay vì bột gạo hay bột mì. Sợi bún khô trắng đục như miến nhưng sáng màu hơn, khi nấu chín có độ trong. Chính vì thế mà món bún đặc sản này có hương vị thơm ngon độc nhất và mang giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên phải mất đến 5kg đậu xanh mới cho ra thành phẩm 1kg bún, ấy vậy mà giá thành trên thị trường có phần hơi cao.


Loại bún này không làm được quanh năm, chỉ khi trời nắng và có gió nhẹ, đem bún ra phơi mới thu được chất lượng tốt nhất, vì thế thời gian sản xuất cao điểm rơi vào từ tháng 3 đến tháng 5. Cũng vì kỳ công mà nghề làm bún ở làng An Thái có nguy cơ thất truyền do còn ít hộ làm bún.

Bún song thằn thường được mua về để chế biến thành nhiều món bún tùy khẩu vị mỗi người, như xào với thịt bò, gà, heo hay tôm, thậm chí biến tấu làm sợi trong bún bò Huế, bún riêu cho lạ miệng.

Loại bún này đã quen thuộc trong dân ca “Nón ngựa Gò Găng. Bún song thằn An Thái. Lụa đậu tư Nhơn Ngãi. Xoài tượng chín Hưng Long”, trở thành nét đặc sắc ẩm thực của Bình Định.

IMAGES TRAVEL AND EVENTS
Nguồn ảnh: Sưu tầm Internet

028 2208 6688