Còn chờ nữa là… chết

(KTSG) Tuần qua, nhiều người đã mừng hụt trước tin nhiều địa phương sẽ dần đón khách quốc tế từ tháng 12 tới để có thể mở hoàn toàn với thị trường khách quốc tế từ tháng 6-2022. Nhiều doanh nhân cho rằng, mở cửa càng muộn thì cơ hội cứu doanh nghiệp càng mong manh.

Du lịch Việt Nam đã kiệt quệ như thế nào vì đại dịch? Câu trả lời đã có trong báo cáo của Tổng cục Du lịch tại hội nghị mới đây giữa cơ quan này với các địa phương về tái khởi động du lịch.

Theo đó, đại dịch Covid-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019. Vào năm ngoái, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019 và 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1%. Tổng thu du lịch chỉ đạt khoảng đạt 312.200 tỉ đồng, giảm khoảng 58,7% so với năm 2019.

Chín tháng đầu năm nay, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 31,5 triệu lượt khách. Khách quốc tế thì chỉ có nguồn rất nhỏ là các chuyên gia, doanh nhân nước ngoài về. Tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Các doanh nghiệp du lịch gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, lao động rời bỏ ngành.

Không còn sức để chờ

“Đến tháng 6 năm tới mà không mở cửa là tôi chết”, một doanh nhân kinh doanh mảng du lịch quốc tế nói với KTSG sau khi đọc bản tin về việc Tổng cục Du lịch bác tin Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với khách du lịch quốc tế vào tháng 6-2022.

Theo đó, trong 18 tháng qua, cứ mỗi tháng, doanh nhân này phải chi 1 tỉ đồng để duy trì hoạt động của văn phòng và đội ngũ. Trong khoảng thời gian không có khách quốc tế, công ty cũng xoay qua thu hút khách nội địa và khách nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam nhưng cứ vừa tiếp cận được một số khách thì dịch lại ập tới.

Vì thế, công ty gần như không có doanh thu từ thời điểm Việt Nam tạm dừng mảng du lịch quốc tế để ngăn dịch Covid-19 từ tháng 3 năm ngoái. Gần 20 tỉ đồng có được sau nhiều năm kinh doanh đã không cánh mà bay.

“Tôi cũng đang rối loạn tài chính. Giờ mà bán nhà nữa thì kinh quá”, một doanh nhân khác nói. Gần hai năm qua, tuy đã phải bán tài sản nhưng doanh nhân này vẫn đang nợ vài tỉ đồng, thêm vào đó là nợ hơn 2,7 tỉ đồng tiền tour của đối tác nước ngoài. Khách quốc tế đã trả tiền tour từ rất sớm, nếu sau 18 tháng không thể khởi hành thì nhà tour phải trả tiền lại nhưng hiện không biết tiền đâu để trả.

Những ngày gần đây, mảng du lịch nội địa đã khởi động lại sau đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư. Nhiều địa phương đã công bố kế hoạch nối lại du lịch. Một số doanh nghiệp bắt đầu nối tour nội thành, nội tỉnh và xây dựng chương trình cho các tour liên tuyến.

Những chuyển biến tích cực này cùng với tuyên bố của ngành y tế là đợt dịch lần thứ tư cơ bản được kiểm soát trên cả nước và tốc độ tiêm bao phủ vaccine ngừa Covid-19 đang tăng cao đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh mảng du lịch quốc tế tin rằng sẽ sớm được quay trở lại thị trường.

Niềm tin này càng được củng cố hơn khi một số cơ quan thông tấn đưa tin về việc, sau khi Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế vào tháng 11 tới, cơ quan quản lý du lịch sẽ dựa trên kinh nghiệm của đảo ngọc để nhân rộng mô hình mở cửa nhiều điểm đến khác trong cả nước. Sau đó, Việt Nam sẽ mở cửa lại hoàn toàn cho khách quốc tế từ tháng 6-2022.

Tuy nhiên, cuối tuần rồi, khi Tổng cục Du lịch lên tiếng, cho rằng Việt Nam chưa xác định thời điểm mở cửa du lịch quốc tế. Cơ quan này cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa có bất kỳ đề xuất nào liên quan đến thời điểm mở cửa thì niềm tin đã trở thành nỗi hoang mang.

“Thời điểm tốt nhất để thông tin là phải sáu tháng trước khi chính thức mở cửa. Đến giờ này mà chưa biết khi nào Việt Nam mới đón khách quốc tế thì không ai có thể bán tour cho chúng ta được”, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Asian Trails Co., LTD, nói.

Theo bà, do thông tin về thời điểm mở cửa chưa có nên hiện tour cho khách nước ngoài đến Việt Nam vào năm sau tiếp tục hủy. Một số đại lý từ nước ngoài đang liên hệ để lấy giá tour cho năm 2022-2023 nhưng công ty chưa thể cung cấp đủ thông tin chi tiết, cũng vì lý do này.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, cũng có thông tin tương tự, cho biết hiện đối tác đã hủy tour Việt Nam đến tháng 1-2022 và sẽ tiếp tục hủy. Ngoài ra, còn có một số hãng bỏ luôn vì không thể chờ.

“Đối tác không dám bán tour vì không biết khi nào Việt Nam mới mở cửa còn chúng tôi thì ngồi chờ trong điều kiện tài chính kiệt quệ, mất nhân sự và gần đây nhất là mất tinh thần. Thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt là không biết sắp tới sẽ làm gì”, ông nói.

Hai mốc thời gian hợp lý

Theo thông tin từ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến ngày 11-10 cả nước đã tiêm hơn 54,9 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Một ngày trước đó, Bộ Y tế cũng cho biết, tổng cộng đã có 74 triệu liều vaccine đã về đến Việt Nam, hàng chục triệu liều khác sẽ tiếp tục cập cảng vào những tháng cuối năm. Với tình hình này, nhiều doanh nhân cho rằng, đã đến lúc điểm đến phải tính chuyện mở cửa, càng sớm càng tốt.

Trao đổi với KTSG, có hai mốc thời gian được nhiều người cho rằng hợp lý là khoảng từ trước hoặc sau Tết Âm lịch 2022 .

Khách-du-lịch-tại-quảng-nam
Khách du lịch tại Quảng Nam. Ảnh: Đào Loan

Theo ông Thierry Berger, Tổng giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Transtravel, hiện đối tác nước ngoài đang yêu cầu phải lựa chọn, một là trả lại tiền cho khách hàng và hai là hướng khách đi những điểm khác thay vì đi Việt Nam. Nếu đến tháng 5 hoặc tháng 6 năm sau Việt Nam mới mở cửa thì ngành du lịch lại tiếp tục mất một mùa du lịch quốc tế vào cuối năm nay và đầu năm tới.

Theo đó, thời gian thích hợp mở cửa là trước Tết Nguyên đán sắp tới vì có thể đón được khách Việt kiều về nước và một số du khách nước ngoài. Thời điểm này sẽ giúp công ty không phải chuyển lượng khách đã mua tour đến Việt Nam sang các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia và giúp bán được tour cho năm tới, đúng mùa cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4.

“Chúng tôi sẽ có việc làm ngay nếu nếu mở cửa vào tháng 2 tới (Tết Nguyên đán) còn đến tháng 5 hay tháng 6 mới mở thì phải đến tháng 10-2022 mới có việc trở lại”, ông nói và kỳ vọng đến cuối tháng này sẽ được thông báo về thời điểm mở cửa để chuẩn bị các phương án tiếp thị.

Bà Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Asian Trails, cũng cho rằng nên mở cửa trước Tết Nguyên đán để đón Việt kiều về quê và du lịch, từ từ nhận khách quốc tế. Ở những tháng đầu tiên, chắc chắn sẽ không có trình trạng khách quốc tế sẽ ồ ạt đổ đến Việt Nam cho nên áp lực về kiểm soát dịch sẽ không quá căng thẳng.

Doanh nhân này dự tính lượng khách trong thời gian đầu sẽ chỉ bằng khoảng 20% so với cùng thời điểm năm 2019. Lượng khách này tuy không lớn nhưng giúp bộ máy của doanh nghiệp có thể khởi động và giúp người lao động tin tưởng hơn vào công việc để bám trụ với nghề.

“Tôi cho rằng, đã đến lúc Chính phủ phải có thái độ dứt khoát và chính sách về mở cửa du lịch, nếu không rất nhiều doanh nghiệp du lịch sẽ không thể tồn tại làm ngành du lịch khó phục hồi”, bà nói.

Ông Toản, Giám đốc Images Travel, cho rằng nên mở cửa từ sau Tết Nguyên đán tới, khoảng từ tháng 3 năm sau. Lúc đó, độ phủ vaccine đã rộng hơn và nhưng nếu để đảm bảo an toàn hơn nữa thì có thể hạn chế du khách đến một số điểm đến chưa kịp tiêm vaccine, rồi dần mở rộng phạm vi tham quan. Với thị trường cũng vậy, có thể mở dần theo thị trường nhưng phải thông tin từ sớm cho doanh nghiệp chuẩn bị.

Việc mở cửa từ tháng 3-2022 sẽ giúp khách sạn, nhà hàng “sống lại” trước nhờ vào số ít khách lẻ ban đầu, giúp chuỗi cung ứng dịch vụ cho du lịch được nối lại tốt hơn trước khi khách đoàn từ các hãng quay lại vào cuối năm.

Nếu đến tháng 6 mới mở thì du lịch không những mất khách đến đến tháng 9, thời gian hồi phục đã dài lại càng dài hơn. “Chính phủ đã chuyển dần sang chính sách sống chung với dịch thì cũng nên có chính sách mở cửa phù hợp cho du lịch, gồm cả thời điểm mở cửa và những biện pháp để du khách cảm thấy thoải mái khi đi du lịch”, ông Toản nói.

Đào Loan

Còn chờ nữa là… chết – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (thesaigontimes.vn)

Tin tức liên quan

Tham khảo chương trình tour

Liên hệ tư vấn
028 2208 6688