Đi lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng được xem là một trong những lễ Tết quan trọng nhất của người Việt. Vào ngày này, người dân thường đi chùa và làm mâm cỗ dâng lên tổ tiên. “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của ngày này trong văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu tường tận nguồn gốc, ý nghĩa của ngày hội Rằm tháng Giêng của người Việt. Bên cạnh việc chúc Tết đầu năm thì chúng ta cũng cần chuẩn bị cho những mâm cỗ đặc biệt là mâm cổ rằm tháng Giêng chu đáo nhất. Cùng Images Travel tìm hiểu nhé!

1. Rằm tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu

  • Ngày lễ rằm tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu là lễ hội trăng rằm từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) trọn ngày 15 (ngày rằm) cho đến nửa đêm 15 (đêm trăng rằm) của tháng giêng âm lịch.
Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhưng Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán cũng như nhiều ngày Tết khác của người Việt, theo T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đều có sự ảnh hưởng từ các tích truyện của Trung Quốc. Chỉ có điều, khi về đến Việt Nam, qua sự tiếp biến văn hóa, các phong tục, ngày lễ này đều có sự thay đổi ít nhiều.

  • Nguồn gốc rằm tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu

Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng.
Đông Phương Sóc – viên sủng thần của Hán Vũ Đế, đã tìm cách giúp các cung nữ thực hiện nguyện vọng gặp mặt người thân vào Tết Nguyên Tiêu. Bước đầu tiên, Đông Phương Sóc tung tin hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An, khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ.

Sau đó, ông hiến kế với Hán Vũ Đế rằng, tối ngày Rằm, mọi người trong cung phải đi lánh nạn ở ngoài cùng vua. Các đường to ngõ hẻm, trước nhà sau sân trong nội thành đều treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả thành Trường An lửa cháy hừng hực, nhờ đó đánh lừa Hỏa Thần. Thế là từ đó, cứ đến ngày rằm tháng Giêng đều phải treo đèn lồng và các cung nữ nhân ngày này đều có thể về thăm gia đình.

Về sau, Tết Nguyên Tiêu được lưu truyền rộng rãi và ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, nước ta đồng thời có sự du nhập của Phật giáo, ảnh hưởng đến nhiều phương diện truyền thống, trong đó có ngày rằm tháng Giêng. Nhờ sự hỗn dung văn hóa này, Tết Nguyên Tiêu ở Việt Nam cũng có ít nhiều sự biến đổi.

Tục treo đèn lồng đỏ của người Hoa

2. Ý nghĩa của ngày rằm tháng Giêng – Tết Nguyên tiêu

Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười). Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ tết quan trọng nên ông bà ta có câu: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Do Rằm tháng Giêng trùng hợp với lễ Thượng Nguyên và Tết Nguyên Tiêu trong dân gian, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng.

Trong ngày lễ này, tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng của mỗi gia đình, vùng miền có thể khác nhau nhưng đều để thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn và nhiều tài lộc.

Do vậy ngoài mâm lễ gia tiên chúng ta có thể làm một đàn lễ ngoài trời để cảm ơn Trời Đất, Thần Tiên, Phật Thánh, cùng các vị anh hùng dân tộc, không cần lễ lạt cao sang tuỳ theo điều kiện của mỗi gia đình mà sửa lễ.

Nếu điều kiện kinh tế hạn hẹp, chúng ta chỉ cần pha một ấm trà, vài chén rượu nhạt, hoa quả tự trồng được, mấy nén nhang với lòng thành kính.

Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng

3. Vì sao “Đi lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng”

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu cho biết: Tết Nguyên Tiêu trùng với lễ Thượng Nguyên nên là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Đến ngày này, mọi người thường đi chùa phóng sinh, làm nhiều việc thiện, cúng dường, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Tết Nguyên Tiêu hay còn gọi là tết Thượng Nguyên nằm trong cùng hệ thống với các tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy, địa quan xá tội) và tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười, thủy quan giải ách).
Tuy nhiên, một số người vẫn đang hiểu sai rằng chỉ cần đi lễ chùa ngày này thì mọi lỗi lầm, sai trái đều được bỏ qua để cho đón nhận nhiều điều phước lành. Thật ra không phải vậy, thượng tọa Thích Thiện Chiếu khuyên mọi người cả năm cần ăn ở tích đức, làm nhiều việc thiện, tâm bình an thì mọi chuyện đều suôn sẻ.

Rằm tháng Giêng
Đi chùa ngày rằm tháng Giêng

4. Mâm cúng Tết Nguyên Tiêu cần chuẩn bị những gì?

Mâm cỗ chay cúng Phật

Đối với mâm cỗ cúng Phật, gia chủ cần chuẩn bị hoa quả, xôi chè, rau xào chay, canh rau củ hoặc canh nấm, các món đậu. Ngoài ra, một số gia đình còn bày thêm bánh trôi nước để cầu mong một năm trôi chảy, thuận hòa. Ngoài ra, lễ vật dâng cúng rằm tháng Giêng còn có hương, hoa, đèn nến. Lưu ý, màu sắc của các món ăn trên mâm cỗ chay được cho là tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Dùng cơm chay vào ngày rằm tháng Giêng cũng là cách hướng tới sự thanh thản, an nhiên trong tâm hồn.

Mâm cỗ mặn gia tiên

Đối với mâm cỗ mặn cúng gia tiên, gia chủ cần chuẩn bị hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, một vài món ăn mặn.
Thông thường mâm cỗ mặn có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng tròn 10 món để tạo thành mâm cơm đầy đủ, tươm tất.
– 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến, bát mọc.
– 6 đĩa gồm: Thịt gà trống luộc (hoặc thịt lợn), giò/chả), nem, đĩa xào, dưa muối/hành muối, xôi/bánh chưng, ngoài ra có thêm nước chấm.

Xem Gợi ý các món ăn trong mâm cỗ chay cúng Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên ngày Tết Nguyên Tiêu

Rằm tháng Giêng
Mâm cúng gia tiên

5. Rằm tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu tại các quốc gia khác

Ngày Rằm tháng Giêng cũng là ngày lễ lớn ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và cộng đồng người nói tiếng Hoa cư trú ở các nước.

Tại Trung Quốc, Đài Loan… thì ngày lễ này gọi là “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng”. Và có những như tập tục đốt đèn trên cây nêu trước cửa nhà, chơi lồng đèn ngũ sắc, đoán câu đố… Theo truyền thống, đường phố được trang trí đèn lồng tròn màu đỏ. Tuy nhiên, ngày nay thì đèn lồng cũng có nhiều hình dạng và kích thước hơn.

Tại Hồng Kông và Đài Loan sẽ xuất hiện những chiếc đèn lồng khổng lồ mang hình dáng của những con giáp. Đồng thời một số thành phố sẽ thả đèn hoa đăng hoặc đèn trời với mong ước hạnh phúc và may mắn sẽ tới trong năm mới. Tương tự, tại Trung Quốc, không chỉ có đèn lồng mà còn tổ chức bắn pháo hoa, đoán câu đố viết trên đèn lồng, múa lân, múa rồng, đi cà kheo.

Thả đèn dịp Tết Nguyên Tiêu ở Đài Loan
Đối với cộng đồng người Hoa, trong ngày này không thể thiếu tục ăn bánh trôi.

Trong tiếng Hoa, bánh trôi được đọc là “tang yuan” có phát âm gần giống với chữ “hội ngộ”. Thế nên việc ăn bánh trôi tượng trưng cho sự đoàn viên.
Nếu như ở Việt Nam chỉ có thể thấy múa lân vào ngày Trung thu thì ở Trung Quốc, vào ngày Rằm tháng Giêng không thể không có tiếng nhạc, tiếng trống cùng những màn uốn lượn của những chú rồng, sư tử. Ngoài ra, “Hội hoa đăng” còn có vai trò như ngày Valentine hay ngày lễ Thất tịch.

Phong tục ăn bánh trôi của người Hoa

Nguồn: Sưu tầm – Tổng hợp từ Internet

Liên hệ tư vấn
028 2208 6688