(VTC News) –
Nhiều điểm du lịch ở Việt Nam chưa công bố thời điểm mở cửa đón khách quốc tế khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành tiếp tục gặp khó sau thời gian dài “đóng băng”.
Chịu ảnh hưởng của COVID-19 ngày càng phức tạp, lộ trình mở cửa du lịch Việt Nam đón khách du lịch quốc tế chậm trễ. Điều này khiến không ít tour du lịch được đặt trước phải dời lại, thậm chí là hủy bỏ.
Đau đầu tính toán lùi, hủy tour cho khách
Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Ngọc Toản – Giám đốc Công ty Image Travel & Events – cho hay doanh nghiệp đối diện với thực trạng nhiều khách quốc tế báo hủy những tour đã đặt trước: “Một số khách hàng dự kiến đến Việt Nam ở thời điểm này thì đã báo hủy tour từ khoảng 4 tháng trước. Còn hiện tại, vẫn có khách đang báo hủy tour dự kiến vào tháng 3-4/2022”.
Ông Toản phân tích, khách hàng hủy tour đến Việt Nam là vì chính sách mở cửa của Việt Nam còn chậm. “Trong thói quen du lịch của người châu Âu, đại đa số họ thường chuẩn bị cho chuyến đi của mình trước 1 năm. Khi họ đặt tour đến Việt Nam cũng vì tin rằng đến thời điểm đi du lịch, Việt Nam đã mở cửa rõ ràng. Nhưng gần đến chuyến đi mà nhiều điểm du lịch ở Việt Nam chưa kịp mở cửa thì họ sẽ hủy tour để lên kế hoạch cho chuyến đi khác”, ông Toản nói.
Khẳng định không bị khách quốc tế hủy tour nhưng bà Đoàn Thị Thanh Trà – Giám đốc Tiếp thị Truyền thông lữ hành Saigontourist – lại cho biết, nhiều tour đặt sẵn cũng đã phải di dời thời gian tổ chức.
Theo bà Trà, sau gần hai năm “đóng băng”, đến nay doanh nghiệp mới có thể chuẩn bị tái khởi động theo hình thức dự trù, chưa hề “chốt” tour. Hiện Saigontourist làm việc với các đối tác nước ngoài chỉ có thể đưa ra mốc thời gian dự kiến. Vì vậy, việc dời cũng chỉ là dời thời gian dự kiến.
“Chúng tôi chỉ có thể dự trù thời điểm đón khách. Ví dụ, đối với một số khách nước ngoài, chúng tôi thông báo thời gian dự kiến mở cửa cho họ là tháng 10. Tuy nhiên, đến thời điểm dự trù mà vẫn chưa thể mở cửa thì lại phải tiếp tục lùi thời gian, nói họ chờ sang tháng 12. Cứ thế, phải buộc lùi thời gian dự trù chứ không phải hủy tour, bởi chưa có ngày cụ thể nên khách hàng chưa thể đặt”, bà Trà cho hay.
Lỡ thời điểm “vàng”, DN khó mời khách
Theo bà Thanh Trà, du khách quốc tế thường có mùa du lịch riêng, tiếp tục lùi thời gian sẽ bỏ lỡ mất mùa du lịch của họ và phải chờ đến năm sau. Đối với du khách quốc tế, không phải mở cửa ngày nào là vào ngày đó.
“Do tình hình chung nên phải chấp nhận. Chúng tôi bây giờ sẽ tiếp tục duy trì bộ máy nhân sự tối thiểu, đợi đến khi nào thật sự an toàn mới triển khai”, bà Trà thông tin.
Còn ông Trần Thế Dũng – Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Fiditour – thì cho biết, do Fiditour liên tục cập nhật thông tin tại Việt Nam cho các đối tác nên hiện chưa có khách nào đặt tour cụ thể. Ông Dũng thừa nhận, thời điểm này, rất khó mời gọi khách quốc tế đến Việt Nam bởi khách quốc tế nói chung và đặc biệt là khách từ thị trường châu Âu nói riêng luôn cần một chương trình cụ thể, chính xác và có sự chuẩn bị trước nhiều tháng.
Ông Dũng khẳng định, doanh nghiệp của ông nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung đã bỏ lỡ cơ hội lớn đón khách quốc tế trong mùa du lịch năm nay bởi hiện chính là mùa du lịch của khách nước ngoài.
“Từ khoảng cuối tháng 10 đến tháng 3 năm sau, khách nước ngoài có nhu cầu du lịch lớn. Họ thường lên kế hoạch trước từ 6 tháng đến 1 năm và cần chương trình cụ thể để chốt phương án. Tuy nhiên, vì thời điểm mở cửa quốc tế của Việt Nam đưa ra muộn, lại hạn chế đường bay, đồng thời cơ chế đón khách quốc tế tại các địa phương chưa đồng nhất nên doanh nghiệp du lịch chưa thể đưa ra một chương trình cụ thể để chào đón khách quốc tế”, ông Dũng cho hay.
Ông Dũng nhận định, với tiến độ mở cửa quốc tế như hiện tại, trong quý I/2022, khả năng đón khách gần từ thị trường Đông Nam Á, Bắc Á…là khả thi hơn cả. Còn để đón được khách từ thị trường châu Âu, đòi hỏi việc mở cửa bay quốc tế thông suốt và các lộ trình cụ thể tại các điểm đến ở Việt Nam. Tính từ thời điểm mở cửa thì ít nhất phải 6 tháng sau, du lịch Việt Nam mới đón được các đoàn khách lớn từ thị trường này.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, hiện tại không có khách quốc tế đặt tour đến Việt Nam, phần lớn đặt sau vài tháng nữa.
“Tại Hanoitourist, khách nước ngoài đặt tour đến Việt Nam trong thời gian tới thường đặt thông qua một hãng của nước ngoài, số lượng các tour này không nhiều. Còn khách lẻ quốc tế, tự đặt tour trực tiếp đến Việt Nam thì chưa có. Hiện tại, việc mở cửa đón khách quốc tế rộng rãi vẫn chỉ biết chờ cơ chế chính sách cụ thể của Nhà nước”, ông Thái nói.
Doanh nghiệp kiệt quệ, “sống” nhờ khách nội
Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings cho rằng, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp của Việt Nam lâm cảnh khó khăn, thậm chí phá sản. Vietravel Holdings không ngoại lệ khi bị ngưng trệ toàn bộ.
Ông Kỳ cho biết, Vietravel lấy dịch vụ, khách du lịch là hoạt động kinh doanh chính, bao gồm các hoạt động liên quan đến chuyến đi, nghỉ dưỡng của khách du lịch. Vậy nên, khi các hoạt động xã hội dừng lại, tất cả hệ thống này cũng tức khắc bị đông cứng, đóng băng.
“Chúng tôi đánh giá rằng không thể ngày một, ngày hai có thể xử lý, phục hồi được, nó sẽ còn hệ luỵ kéo dài. Cái lớn nhất có thể thấy là nó làm thay đổi toàn bộ kết cấu của thị trường, nhu cầu của thị trường và toàn bộ hệ thống dịch vụ cung ứng của thị trường, trong đó có du lịch.
Điều này dẫn tới việc Vietravel buộc phải có những bước điều chỉnh rất lớn về chiến lược. Phải dứt khoát, mạnh mẽ để có thể xoay lại, kịp với tình hình thay đổi của thị trường, nhu cầu của người dân”, ông Kỳ nói.
Ông Kỳ phân tích, thị trường khách du lịch như trước đây thường đi theo các nhóm tour lớn. Nhưng với tình hình hiện tại, chắc chắn lượng khách này không còn nữa và phải rất lâu mới có khả năng hồi phục, thậm chí không hồi phục được. Như vậy, thị trường buộc phải chuyển hướng tập trung sang du lịch trong nước hoàn toàn.
Với Vietravel, trước đây doanh nghiệp làm cả trong nước, ngoài nước. Đến nay, không còn trông đợi được vào lượng khách quốc tế, doanh nghiệp buộc thu hẹp mô hình hoàn toàn trong nước, thậm chí là nội vùng, không còn là cả nước.
“Hiện tại, rõ ràng là chúng ta đang bị động, vì dịch luôn diễn biến, không như chúng ta dự báo. Chúng tôi đang phải làm tất cả mọi chuyện, cấu trúc lại về toàn bộ thị trường, cấu trúc lại kênh phân phối, cấu trúc lại cơ cấu chính công ty”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Để làm được điều này, theo ông Kỳ, doanh nghiệp sẽ phải ước lượng, dự báo được tình hình dịch, diễn biến sắp tới để từ đó đề ra kế hoạch, xây dựng kế hoạch mà mình triển khai. Đồng thời, cũng sẽ phải điều chỉnh lại hệ sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu sống, nhu cầu sinh hoạt của người dân sau dịch. Từ đó, đặt ra những sản phẩm phù hợp.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà cũng thông tin, hiện Saigontourist đang tập trung cho thị trường trong nước, bởi sau khi hết giãn cách du lịch trong nước bắt đầu có những biến chuyển. “Ví dụ trong tháng 12 này chúng tôi có hơn 1.200 khách du lịch là khách Việt Nam, đi các điểm ở Việt Nam. Đó, từng bước mình làm, còn khách quốc tế là phải chờ”, bà Trà nói.
Thí điểm mở lại chuyến bay thương mại quốc tế từ 1/1/2022
Văn phòng Chính phủ ngày 10/12 đã ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh tại cuộc họp ngày 9/12 về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Phó thủ tướng đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc – Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.
Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Doanh nghiệp lữ hành ‘săn’ khách quốc tế: Nơi bị hủy tour, nơi khó chào mời (vtc.vn)