Độc đáo tại lễ Pơ thi – lễ bỏ mả của cộng đồng dân tộc Jarai

Trong chuyến du lịch văn hóa của công ty IMAGE Travel & Events, vào 2 ngày 8 và 9 tháng 3, tại làng Kép 2, Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai chúng tôi đã may mắn trải nghiệm lễ hội độc đáo nhất trong văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên, đặc biệt là người Jarai, lễ Pơ thi, hay còn được biết đến với tên gọi “lễ bỏ mả”.

Tư tưởng về tang ma của người Jarai

Theo quan niệm của người Jarai, có 3 thế giới : thế giới dành cho người sống, thế giới của người chết, là nơi ở của ông bà tổ tiên, và thế giới của các vị thần linh. Con người sau khi chết sẽ thành ma, vẫn lưu luyến ở lại du hành quanh quẩn với người sống. Cho nên, hàng ngày, con cháu trong nhà có nhiệm vụ mang cơm nước ra mả để mời linh hồn người đã khuất. Công việc này sẽ kết thúc khi lễ bỏ mả diễn ra, thường sau khoảng 5, 10 năm, tùy vào kinh tế của gia đình. Khi đó, gia đình sẽ hoàn toàn chia tay với người đã khuất, chấm dứt mọi ràng buộc để xây dựng một cuộc sống mới, gia đình mới và không tiếp tục lui tới mang cơm, làm giỗ hay chăm sóc mả nữa. Người đã khuất cũng sẽ hoàn toàn được siêu thoát để đoàn tụ nơi thế giới mới với ông bà tổ tiên.

Bà Rơ Châm Kich, 1 trong những cụ già làng cho biết “Lễ Pơ thi lần này có 3 gia đình cùng đứng ra tổ chức bỏ mã cho người thân đã khuất 12, 20 năm của họ. Họ cần cả 2,3 tháng để chuẩn bị tiền bạc, trâu bò, vật dụng, các thủ tục cúng vái, kiêng cữ trước khi lễ bỏ mã chính thức diễn ra”.

Chuẩn bị cho lễ bỏ mả

Theo truyền thống, trước lễ bỏ mả cả tháng, người Jarai vào rừng chọn cây gỗ tốt để dựng tượng nhà mồ và quét dọn, tu sửa lại ngôi mộ lần cuối. Tượng nhà mồ là sản phẩm điêu khắc độc đáo được dựng lên từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân trong làng. Đây là cách người sống gửi gắm tình cảm sâu nặng với người đã khuất.Có nhiều lời giải thích khác nhau về ý nghĩa của các tượng nhà mồ. Những bức tượng ở phía gần tâm luôn là những bức tượng thể hiện sự hoan ái, biểu trưng cho sự phồn thịnh, ước muốn về một cuộc sống hạnh phúc ở thế giới bên kia. Ở bốn góc là những bức tượng người ngồi ôm mặt thể hiện tâm tư của những người phải chia tay với người đã chết; tượng người đàn ông ôm thỏ thể hiện niềm vui trong lao động, săn bắn; tượng nữ giới mang thai thể hiện vai trò chức năng của nữ giới trong việc sinh con chăm lo cuộc sống gia đình…

nhà mồ của người Jarai

Gần đến ngày, các trai làng đã bắt đầu tập hợp nhiều tre nứa, củi khô được chặt lượm từ trong rừng và dựng lều cho khách mời tới tham gia lễ bỏ mả. Họ dựng cây nêu cao hình nhân tượng trưng cho người đã mất, vót và cắm cọc cột trâu, bắt đèn, vót thân nứa nhỏ làm ly uống rượu, đan cốc đựng đồ ăn, dựng nhà bếp dã chiến, và mang nồi niêu xoong chảo ra để sẵn.

Nhiều hoạt động đặc sắc trong lễ Pơ thi

Lễ Pơ thi là một dịp lễ đặc biệt quan trọng đối với người Jarai. Đây cũng được xem là lễ hội lớn nhất, có giá trị văn hóa, và mang tính cộng đồng nhất của Tây Nguyên. Có thể thấy rất nhiều cung bậc cảm xúc được thể hiện tại đây. Nỗi buồn sâu thẳm, vấn vương không nỡ chia ly của người thân người đã khuất. Niềm vui từ những cuộc hội ngộ giữa làng trên xóm dưới. Họ cùng nhau lao động, cùng nhau san sẻ đồ ăn thức uống, cùng nhau giải trí sau một mùa màng bội thu. Lễ Pơ Thi cũng được coi là một bảo tàng sống của người Jarai. Mọi hình thức nghệ thuật độc đáo của Tây Nguyên đều có mặt: từ đan lát, cồng chiêng, múa xoang, ẩm thực, hội họa đến điêu khắc…

cồng chiêng trong lễ bỏ mả

Trước kia, lễ Pơ Thi thường được tổ chức trong 7 ngày liên tục. Qua thời gian, hiện nay chỉ còn 3 ngày. Ngày thứ 1 cồng chiêng múa xoan. Ngày 2 thui trâu hiến tế và đón tiễn ma bùn. Ngày cuối cùng là dành cho nội bộ gia đình.

Đúng ngày 8 tháng 3, bắt đầu từ 4 giờ chiều, dân trong làng, các làng lân cận và một số khách du lịch biết đến lễ bỏ mả kéo nhau tụ họp về đây. Phụ nữ trong làng mỗi người đều gùi 1 gùi lớn có cơm lam, crét (chuối xanh trộn với nhọ nồi và mè đen), bánh gạo thổi, ghẹ rượu cần để chia sẻ, trao đổi cho bà con và mời du khách. Khi mặt trời dần xuống núi cũng là lúc những nhóm lửa được thổi bùng lên. Các cô gái, bà cô tiếp tục trổ tài làm bếp, nấu và thay nhau khuấy những nồi cháo bột lớn với thịt heo và rau lang, nướng nhăm klang brong ding (thịt nướng trong ống nứa) sau đó gói lại trong những chiếc lá dầu đã được rửa sạch sẽ rồi mang mời từng người trong làng. Họ ăn bốc, phì phà khói thuốc, nhấp nhấp ngụm rượu cần, vừa nói vừa cười đùa trêu chọc nhau trong hơi men chếnh choáng. Đây thực sự là một bữa ăn cộng đồng mang nhiều ý nghĩa nhân văn và hoàn toàn gần gũi với tự nhiên. Không muỗng nhựa, chén nhựa. Có du khách còn nói đùa rằng : đây là phiên chợ 0 đồng có một không hai. Chỉ có sẻ chia, không hề mua bán.

múa xoang Tây Nguyên

Mặt trời vừa xuống núi cũng vừa lúc diễn ra nghi lễ mong đợi nhất, đó là cồng chiêng và múa xoang xung quanh cụm mả chuẩn bị bỏ. Các chàng trai luân phiên nhau trình diễn cồng chiêng. Dân làng lần lượt lập thành vòng tròn lớn nắm tay nhau nhịp nhàng theo điệu múa xoang. Nhiều âm thanh khác biệt và lạ tai tưởng chừng không liên quan đến nhau vang lên từ chiếc trống lớn, cồng to, ching chiêng nhỏ mà cuối cùng lại kết hợp vô cùng hài hòa tạo nên một bản nhạc dân tộc vừa trầm hùng, vừa huyền bí vừa xúc động. Họ quây quần múa cả đêm, chơi cồng chiêng cả đêm. Người này mệt lại được người khác thay thế.

ma bùn trong lễ pơ thi

Ấn tượng đáng nhớ nhất trong lễ hội là sự hiện diện của ba Bram (ma bùn). Theo quan niệm của người Jarai, các Bram là hình ảnh của những người đã khuất, trở về để cùng vui vẻ với cư dân làng xung quanh khu nhà mồ. Ba chàng trai mạnh mẽ, được hóa trang bằng bùn đất, lá cây và đội mặt nạ, xuất hiện giữa tiếng chiêng trống vang vọng, trong không khí reo hò và phấn khích của đám đông. Họ thực hiện một vòng quanh nhà mồ, cùng đội xoang và chiêng, lấy bùn đất ném vào người xem, rồi nhanh chóng biến mất như những hồn ma, để lại sự vắng lặng trong khu nhà mồ. Lễ hội kết thúc, nỗi buồn và niềm vui đều khép lại.

treo đầu trâu hiến tế

Bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa Tây Nguyên thuần túy

Hiện nay, du lịch Tây Nguyên đang trên đà mở rộng. Nhiều làng du lịch cộng đồng đang được xúc tiến. Tuy nhiên, những ngôi nhà sàn thuần chất gỗ, những ngôi mả đất đơn sơ xưa nay đã bắt đầu bị thay bằng nhà gạch, mã gạch. Thiết nghĩ, những phong tục tập quán với nét đẹp quý giá của văn hóa thuần, văn hóa cổ của Đông Nam Á, không bị ảnh hưởng bởi văn minh Ấn Độ hay văn minh Trung Hoa như lễ Pơ Thi, cần được cộng đồng, công ty du lịch, và chính quyền địa phương hỗ trợ bảo tồn, để giữ cho những giá trị truyền thống không bị mai một dưới sức ép của sự phát triển và tiến bộ.

Phương Hà

028 2208 6688