Trekking ở Nepal thì nhiều nhưng người Việt Nam leo núi ở Nepal chắc đếm được trên đầu ngón tay. Hôm nay mình xin phép chia sẻ kinh nghiệm leo núi ở Nepal của mình. Mình đã có kinh nghiệm leo Singu Chuli 6501m, Tharpu Chuli 5663m,Chulu West 6419m ở Nepal.
1. Về thủ tục:
Ngoài Trekking Permit và Giấy phép vào vườn quốc gia thì bạn sẽ cần thêm Climbing Permit (Giấy phép leo núi). Cả 3 loại giấy tờ này bạn có thể làm tại Nepal Tourism Board. Climbing permit thì bạn có thể mua từ Nepal Mountaineering Association (NMA) sẽ rẻ hơn. Người ta phân loại ra các đỉnh có độ khó dễ khác nhau, độ cao khác nhau, mùa khác nhau thì chi phí sẽ khác nhau nhé.
Chi tiết chi phí mình để ở link này: https://nepalmountaineering.org/article-Fee%20Structure
– Để có được climbing permit thì các bạn “bắt buộc” phải có Sherpa dẫn đường. (Điểm này khác với trekking, trekking thì các bạn có thể đi một mình, đi tự do, nhưng leo núi ở Nepal bắt buộc bạn phải có người dẫn đường)
Thông thuờng bạn sẽ phải thông qua một công ty du lịch nào đấy. Mình may mắn hơn là mình tìm được 3 Sherpa leo cùng ngọn núi với mình. Và mình khuyên các bạn nên làm theo cách này thì các bạn sẽ tiết kiệm được rất rất nhiều tiền.
– Bảo hiểm là bắt buộc phải có. Trong bảo hiểm phải kèm theo Helicopter rescue (trực thăng giải cứu trong trường hợp khẩn cấp). Cái này mình mua ở AIG trụ sở tại Hà Nội có cover cả trực thăng giải cứu nên ok. Lệ phí không quá đắt so với cả hành trình nên mình khuyên nên mua bảo hiểm mức cao nhất. Vì nếu không may mắn gặp sự cố, bảo hiểm sẽ hỗ trợ tài chính cho bạn rất nhiều.
– Bên cạnh đấy bạn sẽ phải đặt cọc 500$ cho phí xả rác. (Cái này để tránh bạn xả rác bừa bãi nhé!). Có thể nhận lại sau quá trình leo núi.
2. Về thể lực:
– Trekking thì không đòi hỏi quá nhiều thể lực, nếu bạn là dân văn phòng chạy lên chạy xuống cầu thang hằng ngày, đi tập gym thường xuyên thì ok. Nhưng đối với leo núi thì trước nửa năm thì bạn hãy tập đeo balo nặng 20kg chạy bộ.
Điểm đặc biệt leo núi ở Nepal là nếu bạn không mang được nặng thì đã có những porter mang hộ bạn (1 Porter có thể vác tối đa 30kg) nhưng mình khuyên các bạn vẫn nên tập luyện. Balo của mình 25kg và mình tự vác cả hành trình (bao gồm 7kg quần áo, 7kg thiết bị leo núi, 7kg thực phẩm và 4kg còn lại cho lều, túi ngủ, sleeping pad,…).
– Mình chưa bị say độ cao bao giờ. Kinh nghiệm để không bị say độ cao của mình là bạn phải luôn uống thật nhiều nước trong quá trình di chuyển cứ 15 – 30′. Bạn dừng lại uống nước chả sao cả. Việc bạn di chuyển nhiều cộng với khi hậu khô lạnh là nguyên nhân chủ yếu khiến cơ thể bạn không bù đủ nước, đủ oxi dẫn đến say độ cao.
– Lên đến độ cao 4000m thì bạn nên dừng lại nghỉ 1 ngày để tập thích nghi với độ cao. Tụi mình có thuật ngữ là Acclimatization Day – Có nghĩa là ngày nghỉ, đi dạo xung quanh làm quen độ cao.
– Tiếp theo sau đó bạn cứ lên cao thêm 1000m nữa thì nghỉ tiếp 1 ngày. Dân leo núi có câu Climb high, sleep low.(dịch nôm na là “leo cao, ngủ thấp” tức là leo đến 4500m thì nên ngủ ở 4000m).
Bên cạnh đấy bạn cần có thêm kiến thức về AMS (Acute Mountain Sickness – triệu chứng say độ cao). Điều này giúp bạn nhận biết sớm và biết cách phòng ngừa không làm gián đoạn hành trình chinh phục của bạn nhé.
3. Về mặt trang bị: (Mình sẽ viết cho cả trekking và climbing)
– Cho trekking:
+ Giày trekking (Cái này mình khuyên các bạn nên mua trước ở VN, để chân làm quen với giày, nên mua giày rộng hơn nửa cỡ vì trong quá trình trekking chân bạn sẽ to ra, nếu chọn đúng cỡ sẽ gây ra chật, căng cứng và đau chân). Càng không nên dùng nhưng loại giầy quân dụng của VN nhé ^^!
+ 1 Đôi tông hoặc crocs (sau 1 ngày trekking thì đây là lúc chân bạn cần thư giãn)
+ Quần trekking x2 (loại nhanh khô là được nhé, không cần chống thấm nước vì loại này rất bí)
+ Quần giữ nhiệt x1
+ Tất len x3, Găng tay len, Găng tay giữ nhiệt x1
+ Đồ lót x3 (tùy vào nhu cầu cá nhân nam hay nữ ạ) . Hiện nay thì trên thị trường có bán những bộ sử dụng 1 lần, nhưng mình khuyên các bạn không nên mua nhé vì không thân thiện với môi trường, và cũng không tốt cho cơ thể
+ Áo giữ nhiệt x2
+ Áo len x1
+ Áo phao x1 + Áo chống thấm nước, chống gió x1 ( Cả 2 áo này mình tin dùng là hãng Marmot)
+ Túi ngủ (Bình thường trekking ở Nepal bạn sẽ ngủ ở trong các lodge hay tea house, đều có chăn ấm đệm êm nhưng nhiệt độ ban đêm có thể rơi xuống -10° -20°C thậm chí -30° nên nếu chỉ trekking có thể mang, hay không mang đều được. Nhưng leo núi thì bắt buộc phải mang vì lên đến high camp bạn sẽ ngủ ở lều. Và khi mua túi ngủ bạn lưu ý đến nhiệt độ túi ngủ có thể chịu, đa số túi ngủ bán ở VN chỉ chịu được tối đa 0 độ C.
+ Trekking pole – gậy trekking: cái này tưởng không cần thiết nhưng thực ra rất cần thiết nhé. Giúp bạn trợ lực rất nhiều trong quá trình di chuyển. (nên mua loại Anti Shock- Chống sóc)
+ 1 bình nước loại 1L – 1.5L chịu được nhiệt. (Ban đêm bạn có thể tận dụng bình nước nóng cho vào túi ngủ hoặc ôm vào lòng giúp bạn giữ ấm tốt hơn)
+ Mũ rộng vành sẽ bảo vệ gáy bạn tốt hơn là mũ lưỡi chai.
+ Kính râm – rất cần thiết. Vì khi bạn đi trên tuyết lâu sẽ gây ra hiện tượng snowblindness (mù tuyết). Lý do là vì nhìn vào màu trắng với cường độ cao quá nhiều. Hiện tượng này có thể gây ra choáng váng khi bạn nhìn đi chỗ khác.
+ Crampons (giày đinh): Cái này mình khuyên các bạn nên đến Thamel rồi thuê 1 cái crampon thực sự để đi nhé. Giá chỉ khoảng 300k VNĐ cho 2 tuần, nhưng rất hữu dụng (Bạn nào leo núi bắt buộc phải có). Nhiều bạn sử dụng loại micro spikes nhưng theo kinh nghiệm của mình cái này không hiệu quả khi gặp tuyết cứng và hay hỏng vặt giữa đường nhé.
– Cho climbing:
Vì leo núi nên bạn sẽ có ít nhất 1 đêm ngủ ngoài trời ở high camp. Vì vậy sẽ cần phải mang thêm 1 lều, 1 túi ngủ, 1 thảm ngủ cách nhiệt, bếp để dun nước. (Khi lên đến high camp các bạn sẽ phải đun tuyết ra để uống, kinh nghiệm chọn tuyết để đun là chọn càng xa nơi có người càng tốt).
Ngoài ra việc bạn mang đồ như trekking bạn sẽ phải mang thêm 1 chiếc áo phao siêu to khổng lồ nữa. ? 1 đôi giày leo núi chuyên dụng. Mình đề xuất La Sportiva G2 SM.
Thiết bị leo núi bao gồm: Harness (đai an toàn), Crampons (giày đinh), Ice Axe (rìu băng), Helmet (Mũ bảo hiểm), Carabine (Móc leo núi – Tối thiểu 4 cái), Ascender + Descender, dây thừng (cần rất nhiều 200 – 500m, phụ thuộc vào núi mà bạn leo), Team rope (cái này là kiến thức về leo núi tuyết rất dài nên mình sẽ viết 1 bài khác chia sẻ sau nhé).
Tất cả các thiết bị leo núi ở trên mình khuyên các bạn nên dùng đồ chính hãng. Các hãng như Black Diamond, Petzl,… nhé! Vì chúng liên quan trực tiếp đến tính mạng của các bạn, không nên dùng đồ fake.
Ngoài ra bạn có thể thuê thêm các vật dụng khác ở Thamel giá rất rẻ dao động từ 1$/1 ngày – 5$/1 ngày.
Phía trên mình liệt kê những trang bị phù hợp với mình. Các bạn có thể tùy chỉnh để phù hợp với bản thân. Điều quan trọng là bạn nhớ rằng 1gam dưới mặt đất = 1kg trên núi. Vì vậy hãy mang đủ, không nên mang quá nhiều. Không đi nổi đâu
4. Về thuốc:
– Có 2 loại thuốc cơ bản bắt buộc phải có là Diamox 500mg (thuốc chống say độ cao) và Tabwater (viên thuốc lọc nuớc) (bạn nào có bộ dụng cụ lọc nuớc thì không cần Tabwater).Ở Việt Nam thường không bán những loại này hoặc có thì cũng đắt. Bạn có thể mua ở Nepal rất rẻ.
– Kem chống nắng và kem chống nẻ Nivea. (cần thiết). Kem chống nắng thì các bạn cứ loại 60+ spf mà mua nhé!
– Ngoài ra một số loại thuốc các bạn “nên” mang theo như thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc cầm tiêu chảy, salonpas dạng bôi, strepsils ngậm ho giảm đau.(tất những loại này, mua loại không gây buồn ngủ)
– Giấy ướt + Giấy vệ sinh: (Bắt buộc phải có) Tuỳ vào độ dài hành trình của bạn thì 2 tuần 1 cuộn/1 bịch giấy ướt là đủ. Giấy ướt dùng để vệ sinh bản thân sau 1 ngày dài trekking/ climbing. Nghe có vẻ hơi bẩn nhưng đấy là cách tốt nhất bảo vệ cơ thể bạn.
-Từ 2000m trở xuống bạn có thể tắm. Nhưng từ 2000m trở nên thì bạn nên dùng cách này. Bởi vì, thứ nhất là nước nóng là thứ rất đắt đỏ, bên cạnh đấy nước cũng không đủ nóng để bạn tắm.
(Thông thường người ta sẽ đun cho bạn 1 xô nước để tắm, mà 1 xô 10 múc thì hết). Quan trọng hơn là khi bạn tiếp xúc với nước nóng, da ẩm gặp không khí lạnh khô sẽ khiến bạn bị nứt nẻ chảy máu cực kì xót, nghiêm trọng.
5. Về kinh nghiệm:
Leo núi tuyết là một lĩnh vực khác “hoàn toàn” so với leo núi truyền thống bình thường như ở Việt Nam. Vì vậy bạn cần phải tự trau dồi thêm kiến thức cho mình. Làm thế nào để sử dụng rìu băng để đi trên tuyết? Làm thế nào để sử dụng rìu băng khi bạn ngã? Làm thế nào dựng trại trên tuyết? Làm thế nào tự giải cứu bản thân khi bị ngã xuống vách băng? …
Youtube có rất nhiều. Nhưng cách tốt nhất để học hỏi là đi cùng người có nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Hãy chinh phục dần dần từ 3000m rồi 4000m rồi… 6000m, không nên nhảy cóc.
Bài viết này khá dài nên mình xin tạm dừng ở đây. Mong mọi người góp thêm ý kiến bổ sung. Chúc các bạn chuẩn bị tốt nhất cho hành trình chinh phục.
(Mình không đi quá sâu vào trekking đâu. Vì nhiều bạn đã chia sẻ rồi nhưng leo núi thì cần cả trekking nên các bạn có câu hỏi gì thêm có thể comment phía dưới mình sẽ giải đáp.)
Mong mọi người ủng hộ. Bài viết tiếp theo mình sẽ chia sẻ về cách du lịch tiết kiệm nhất ở Nepal. Nó sẽ giúp nhiều người tiếp cận được loại hình này trong thời gian tới.
Cảm ơn chia sẻ rất hữu ích của bạn Phạm Hồng Quân !