Hiện nay, các nhà đua nhau truyền tai và mua loa tắm ngôn ngữ cho con, giúp con học ngoại ngữ hiệu quả. Tuy nhiên, cách dùng, thời gian dùng loa tắm ngôn ngữ như thế nào cho hợp lý thì vẫn còn là vấn đề đang được tranh luận.
Khái niệm tắm ngôn ngữ, nghe chủ động
Nghe thụ động, nghe vô thức hay còn gọi là “tắm ngôn ngữ” : tức là chỉ nghe cho não quen với âm, từ vựng, ngữ điệu, v.v. mà không buộc phải hiểu. Điều này không giúp nói, hiểu được mà hỗ trợ học ngoại ngữ, giúp bắt chước giọng nói người bản ngữ dễ hơn khi học.
Nhiều bài viết cho rằng việc nghe thụ động sẽ giúp trẻ học ngoại ngữ nhanh hơn khi bắt đầu học về sau. Tuy nhiên, điều này chỉ dựa trên cảm giác và chưa được kiểm chứng bằng số liệu khoa học đáng tin cậy.
Nghe chủ động: tức là lắng nghe để hiểu, để nhớ, để áp dụng vào tình huống tương tự.
Áp dụng nghe thụ động, nghe chủ động như thế nào?
Người lớn nghe chủ động có thể ghi lại cái mình nghe, tra từ điển thêm để hiểu nghĩa.
Đối với trẻ nhỏ, việc bé xem qua video hoặc trải qua tình huống trực quan và đã hiểu 60, 70% tình huống rồi sau đó nghe lại băng cũng được coi như nghe chủ động. Việc mẹ cho bé xem video phức tạp ngay từ đầu, không đủ sự trực quan và bé không xâu chuỗi được về nội dung đủ để hiểu video, sau đó mẹ cho bé nghe lại audio lại trở thành nghe thụ động.
Như vậy, nếu bé đã bước vào tuổi đã có thể dành thời gian để xem màn hình thì tại sao không áp dụng luôn việc nghe chủ động mà còn qua bước nghe thụ động làm gì?
Mẹ có thể bắt đầu bằng các video dạy từ vựng qua bài hát.
Khi bé đã có 1 số vốn từ căn bản rồi, mẹ nên giới thiệu 1 chuỗi các video hoạt hình cho bé xem. Chỉ khi xem 1 chuỗi liên quan, thay vì chỉ 1 video hay nhiều video của các chuỗi khác nhau, não bé mới dễ dàng xâu lại được các câu từ được dùng như nhau trong nhiều ngữ cảnh tương tự để hiểu được nội dung bộ phim.
Việc khuyến khích bé xem đi xem lại 1 video là điều cần thiết. Sau mỗi lần xem bé sẽ hiểu thêm 1 chút. Có thể xoay vòng chuỗi video cho bé đỡ chán. Tất nhiên, cách này chỉ áp dụng được cho bé nhỏ dưới 6 tuổi. Càng lớn bé sẽ càng dễ phản kháng khi cứ phải xem 1 phim nhiều lần. Lúc này, mẹ chỉ có thể giải thích, đánh vào ý thức học tập của bé và tạo động lực cho bé bằng những món quà khuyến khích.
Sau động tác xem phim, sẽ là việc nghe lại audio của phim đó bằng loa tắm ngôn ngữ. Bé lắng nghe chăm chú càng tốt, nếu không, mẹ vẫn có thể cho bé nghe trong vô thức. Sau khoảng 1 tuần nghe như vậy, mẹ thử động viên bé nhại lại giọng trong video và tập lồng tiếng. Hãy bắt đầu từ video đơn giản nhất. Hoạt động thú vị này sẽ giúp bé tự tin và thêm yêu thích ngôn ngữ mới.
Thế bé nhỏ chưa xem màn hình thì nghe thụ động à?
Vẫn có cách để bé nhỏ nghe chủ động. Nghe chủ động hiệu quả hơn thì tại sao lại phải mất thời gian cho việc nghe thụ động?
Bé nhỏ không xem được thì mẹ xem. Mẹ xem các video nhạc có cử chỉ ấy. Rồi mẹ mở nhạc mà đứng quơ quào với con. Vậy là nghe chủ động từ lúc sơ sinh đấy mẹ à. Và con hiểu luôn, nạp được từ vựng luôn, nạp được ngữ điệu luôn, chẳng cần thụ động nào hết. Mấy trăm file nhạc đó đủ làm nền vững chắc cho con học tới ngoại ngữ về sau rồi.
Một câu hỏi khác, nếu không đọc file sách file video của file audio thì việc chỉ nghe file audio là nghe thụ động đúng không?
Chưa chắc. Câu trả lời nằm ở trình độ ngoại ngữ hiện tại của bé nhà bạn nữa. Khi bé đã có 1 vốn từ nhất định (khoảng 50-60%) đủ để đoán và hiểu audio đó thì việc nghe không qua xem vẫn là nghe chủ động. Vậy nên, nếu mẹ có ý định cho con nghe audio mà không cần xem video, mẹ có thể chọn video có trình độ nhỉnh hơn trình độ của con 1 chút xíu và từ từ tiến dần lên.
Nghe thụ động bao lâu là đủ?
Lên lịch nghe trong ngày theo 1 giờ nhất định là cần thiết. Không nhất thiết phải bật loa tắm ngôn ngữ mọi lúc, mọi nơi như thông tin lan truyền. Chưa ai làm phép so sánh những đứa bé được mẹ cho nghe loa cả ngày với những bé nghe loa trong 1 khoảng thời gjan ngắn cố định thì bé nào giỏi ngôn ngữ hơn bé nào, và các lĩnh vực khác bé nào làm tốt hơn.
Hãy nghĩ về chi phí cơ hội mất đi khi quyết định cho “tắm” bất chấp. Để cho con có thời gian lắng nghe những âm thanh trong cuộc sống, để cho mẹ và con được thủ thỉ cùng nhau mỗi tối mà không bị làm phiền, để con được thực sự tập trung và tĩnh lặng khi ngủ khi ăn khi chơi, để con có khoảng lặng riêng, những luồng suy nghĩ biết đâu sẽ tạo nên nhân tài về sau thay vì ôm cái loa nghe ra rả suốt ngày.
Kết luận
Dù sao đi nữa, nghe thụ động hay nghe chủ động cũng chỉ là một trong nhiều cách giúp bé học ngoại ngữ. Nó có thể áp dụng thành công ở bé này nhưng không thành công ở bé khác. Mong chúng ta không áp lực lên mình, áp lực lên con. Bình tĩnh, minh mẫn, không cần chạy theo số đông, rồi sẽ mau chóng nhìn thấy con đường riêng phù hợp nhất cho gia đình mình.
TNPH – Image Travel & Events