Ngày Lễ Phục Sinh
Lễ Phục Sinh (Easter Day) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của tín đồ theo đạo Kitô, được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm sự kiện Chúa Jesus hồi sinh.
Lễ Phục Sinh không có thời gian cố định. Đó sẽ là ngày Chủ Nhật đầu tiên sau ngày xuân phân của Bắc bán cầu và đồng thời phải sau ngày trăng tròn. Vì vậy, lễ Phục Sinh thường rơi vào khoảng 22/3 đến 25/4 hàng năm.
Vào ngày này, bên cạnh nhiều nghi lễ, thì việc làm các món ăn theo truyền thống cũng vô cùng quan trọng. Tuy cùng ăn mừng ngày lễ nhưng ở mỗi nước, các món ăn lễ Phục Sinh sẽ có sự khác biệt tùy theo văn hóa và phong tục của đất nước.
Vậy ăn gì trong lễ Phục Sinh?
Cùng Image Travel & Events tìm hiểu các món ăn truyền thống ở một số quốc gia trong ngày lễ này nhé.
Pháp: Thịt đùi cừu
Người Pháp có một công thức nấu thịt đùi cừu riêng cho lễ Phục Sinh được gọi là “le gigot d’agneau Pascal”. Đùi cừu được tẩm ướp từ đêm hôm trước với các loại gia vị như tỏi, dầu ô liu, muối, hạt tiêu, phủ lên một lớp lá thơm sau đó là các loại rau củ xếp xung quanh và đem nướng. Bàn ăn được trang trí hai lớp khăn bàn màu trắng, ly và đĩa đẹp cũng được đem ra sử dụng.
Thịt đùi cừu chín được cắt ra từng miếng nhỏ chia theo đĩa cho từng thành viên trong gia đình. Món này được ăn kèm với bánh mì và không thể thiếu rượu vang đỏ. Ngoài ra còn có các món khác như món trứng chiên sữa và các món khai vị thơm lừng khác.
Đức: Súp chervil
Súp chervil trong tiếng Đức có tên là “kerbelsuppe”, được làm từ một loại thảo mộc gần giống rau mùi tây tên là chervil. Súp thường được ăn vào ngày thứ năm Tuần Thánh (thứ năm trước lễ Phục Sinh). Vì ở Đức ngày này được gọi là “Green Thursday” (thứ năm xanh) nên những thực phẩm có màu xanh như súp chervil sẽ được ăn vào ngày hôm đó.
Tây Ban Nha: Rosquillas
Rosquillas là bánh donut truyền thống của Tây Ban Nha, thường được chuẩn bị cho các lễ hội trong Tuần Thánh. Mặc dù có nhiều loại rosquillas khác nhau nhưng loại phổ biến nhất được làm từ trứng, đường, sữa, dầu, vỏ chanh, bột mì, bột nở. Sau khi được chiên giòn, rosquillas thường được phủ với đường quế và được dùng như một món ăn nhẹ. Một phiên bản nổi tiếng khác là bánh rosquillas de vino làm từ rượu muscat ngọt.
Phần Lan: Mämmi
Người dân Phần Lan thường ăn mừng lễ Phục Sinh bằng món bánh mämmi. Chiếc bánh mềm ngọt ngào trong vị ngọt của đường mật và thoảng hương thơm ngào ngạt từ vỏ cam. Cách ăn ngon nhất là ăn kèm cùng sữa hoặc kem.
Làm mämmi cho lễ Phục Sinh cần bắt đầu chuẩn bị trước ngày lễ, vì bánh cần phải được bảo quản ướp lạnh trong ba đến bốn ngày trước khi ăn.
Anh: Bánh Simnel – Bánh mì chữ thập (Hot Cross Buns)
Bánh simnel là loại bánh lâu đời từ nhiều thế kỷ nay ở Anh. Là bánh trái cây được dùng vào ngày các chủ nhật trong suốt Mùa Chay (40 ngày trước lễ Phục Sinh). Bánh được bao phủ bởi một lớp marzipan nướng và 11 hoặc 12 chiếc bánh hình quả bóng làm từ marzipan, tượng trưng cho 12 tông đồ của Chúa (trừ Judas).
*Marzipan là một loại kẹo làm từ hạnh nhân và đường hoặc mật ong, có thể được sử dụng như socola hoặc nhựa thông để làm lớp phủ lên mặt các loại bánh.
Bánh mì chữ thập (Hot Cross Buns) là món ăn không thể thiếu trong lễ Phục Sinh của người Anh. Bánh có vị ngọt và mùi thơm nồng của bột quế, đậu khấu và trộn với những gia vị khác, thêm vào đó là những quả khô khác như nho hay mận.
Loại bánh ngọt này theo truyền thống được dùng vào thứ sáu Tuần Thánh để biểu thị sự kết thúc Mùa Chay và đã là một truyền thống lễ Phục Sinh trong nhiều thế kỷ. Nho khô điểm trên bánh và lớp láng được sử dụng để tạo ra một cây thánh giá trên đầu, có nghĩa là sự đóng đinh của Chúa Jesus.
Ý: Pizza rustica
Pizza rustica, còn được gọi là pizzagaina, thịt được trộn với phomai và được bao bọc trong một lớp vỏ bánh mỏng. Giống như hầu hết các công thức nấu ăn của Ý, pizza rustica có sự khác nhau giữa các khu vực và còn phụ thuộc vào người đầu bếp. Nó có nguồn gốc từ thành phố Napoli (Naples theo tiếng Anh và tiếng Pháp), được biết đến như là nơi khai sinh ra bánh pizza.
Hy Lạp: Bánh Koulourakia
Koulourakia là loại bánh ngọt nhỏ, có hình dạng giống như một con rắn. Là món ăn truyền thống ở Hy Lạp, món này thường được ăn vào ngày thứ bảy của Tuần Thánh.
Các nước Tây Á và Trung Á: Bánh tsoureki
Chiếc bánh xoắn tròn với phần nhân được trang trí những quả trứng đỏ. Đây là món tráng miệng mà các quốc gia ở Trung Á thường sử dụng để làm biểu tượng của ngày lễ Phục Sinh vì quả trứng đỏ mang hình ảnh như máu của Chúa. Món ăn này còn được ưa chuộng vào cả dịp Giáng Sinh và năm mới.
Ba Lan: Súp Żurek (white borscht)
Súp white borscht, còn được gọi là “zurek”, là món ăn truyền thống của Ba Lan không chỉ cho lễ Phục Sinh mà còn trong nhiều ngày lễ khác. Món súp này được làm từ bột lúa mạch đen chua, xúc xích, trứng luộc, khoai tây và nhiều nguyên liệu khác với nhiều ý nghĩa tôn giáo khác nhau.
Nga: Pashka
Pashka là một món tráng miệng quen thuộc trong lễ Phục sinh ở Nga, được làm từ kem phô mai, trái cây khô và các loại hạt. Theo truyền thống, pashka có hình kim tự tháp bị cắt cụt, đại diện cho ngôi mộ của Chúa, trên bánh cũng thường được khắp chữ “XB” có nghĩa là “Chúa đã sống lại”.
Mỹ: Jambon (thịt nguội)
Món ăn không bao giờ vắng mặt trên bàn ăn của các gia đình Mỹ trong ngày lễ trọng đại này chính là Jambon. Đối với các tín đồ Công giáo, thịt lợn được coi là món ăn của Chúa. Người Mỹ thường dùng các thức ăn tích trữ còn lại để tổ chức ăn mừng lễ, vì thế món Jambon ra đời theo truyền thống đó. Món này còn độc đáo hơn khi ăn kèm cùng dứa và hoa anh đào.
Mexico: Capirotada
Các công thức làm Capirotada – một loại bánh mì được dùng vào thứ sáu Tuần Thánh – sẽ thay đổi tùy theo các vùng ở Mexico nhưng nó thường được làm từ bolillo (bánh mì tương tự như bánh baguette) đã được ngâm trong siro làm từ đường, cây quế và cây đinh hương. Sau đó phủ một lớp hạt, trái cây khô,…
Capirotada mang ý nghĩa biểu thị cho sự đóng đinh trên thập tự giá: cây quế tượng trưng cho cây thập tự, cây đinh hương tượng trưng cho đinh, và bánh tượng trưng thân thể Chúa.
Argentina: Torta pascualina
Torta pascualina là một loại bánh nướng được làm từ rau bina, pho mát và trứng. Đây là món ăn truyền thống trong lễ Phục Sinh được yêu thích của Argentina và Uruguay.
Bánh được làm từ ricotta, rau bina và trứng. Người dân ở hai quốc gia láng giềng Argentina và Uruguay thường làm những chiếc bánh cỡ lớn để cùng chia sẻ trong họ hàng với nhau. Đây là loại bánh ngọt mà không người dân nào không biết đến trong ngày lễ Phục Sinh.
Ecuador: Fanesca
Fanesca là một món súp giàu chất dinh dưỡng, thường được dành riêng trong tuần trước lễ Phục Sinh ở Ecuador. Đây là một món súp thịnh soạn bao gồm nhiều loại ngũ cốc và đậu cũng như bacalao – cá tuyết muối. Các thành phần có thể hơi khác nhau tùy khẩu vị của mỗi gia đình, nhưng hầu hết đều có đậu fava, bí, bắp, gạo, tỏi, hành, đậu Hà Lan và sữa. Lý tưởng nhất là sử dụng 12 loại đậu khác nhau để làm món súp, đại diện cho 12 tông đồ, và bacalao tượng trưng cho Chúa Jesus.
Món súp này mất khá nhiều thời gian để làm. Thường là một tuần trước ngày lễ, mọi người đã bắt đầu chuẩn bị cho món ăn. Đây được xem là món súp giàu dinh dưỡng và hấp dẫn nhất trong ẩm thực Ecuador.
Singapore: Bánh murtabak thịt bò
Chiếc bánh crepe trứng có nhân là thịt bò xay. Thịt bò được ướp với bột cà ri, sau đó nấu với hành tỏi và gia vị (hoa hồi, quế và nhục đậu khấu). Món ăn được dùng với chanh tươi, tương ớt.
Nguồn: Tham khảo CNN Travel – Insider
Ảnh: Sưu tầm