Ông lão 70 tuổi miệt mài vớt rác trên rạch Ông Đồ

Ông lão 70 tuổi vớt rác trên rạch Ông Đồ ấy chính là ông Cường. Thấy dòng kênh gần nhà đang ô nhiễm nặng, ông ngày nào cũng miệt mài ra kênh để vớt rác. Ông bị một số người gọi là lão “điên” vì đi lo chuyện bao đồng.

Hình ảnh người đàn ông lo chuyện “bao đồng”

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 1
Hơn 3 năm ông Cường (ông lão U70) ròng rã vớt rác tại rạch Ông Đồ. 

Hơn 3 năm qua, người dân sống xung quanh rạch Ông Đồ (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM) đã quen với hình ảnh một người đàn ông da ngăm đen, hằng ngày miệt mài chèo xuồng dọn rác, khơi thông dòng chảy tại con rạch này. Người đàn ông ấy là Hồ Chí Cường (sinh năm 1952), người dân địa phương gọi là ông “Hai Cường”.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 2
Con kênh Ông Đồ bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến công việc vớt rác của ông Cường gặp nhiều khó khăn. 

Tại sao ông lão 70 tuổi phải đi vớt rác?

“Vào mấy năm trước, rạch Ông Đồ bị ô nhiễm nặng. Nhiều người dân thiếu ý thức thường xuyên vứt thẳng rác thải sinh hoạt xuống rạch, cùng với đó những mảng lục bình dày đặc chặn đứng dòng chảy. Rạch đọng nước, rác thải phân hủy tạo thành lớp màng dày nổi trên mặt nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

“Nhiều trẻ em ở địa phương bị mắc sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng nên tôi tự mình xuống con rạch để dọn vệ sinh”, ông Cường nêu lý do bắt đầu công việc dọn rác của mình.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 3
Ban đầu ông Cường và cháu của mình phải lội trực tiếp xuống con rạch ô nhiễm để vớt rác.

Lượng rác thải lớn và sự thiếu ý thức của người dân

Ông Cường cho hay, trước khi ông bắt đầu công việc dọn rác, chính quyền địa phương đã nhiều lần kêu gọi người dân tham gia khơi dòng con kênh bị ô nhiễm. Tuy vậy, số lượng rác thải quá nhiều nên cứ dọn được vài ngày thì tình trạng ô nhiễm tại đây càng nghiêm trọng hơn.

“Mặc dù có cải tạo nhưng người dân thiếu ý thức lại xả rác xuống rạch khiến cho dòng chảy bị chặn, màu nước của rạch lại đen ngòm. Thấy vậy, tôi rủ thêm 1 đứa cháu gần nhà đi vớt rác. Từ đó đến nay, công việc này trở thành công việc hằng ngày của cả 2 chú cháu”, ông Cường kể.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 4
Anh Nguyễn Hải Âu (37 tuổi) cho biết, sau khi được chú Cường rủ cùng tham gia công việc này, anh đã đồng ý ngay và đã gắn bó được gần 3 năm. 

Tuy tìm được người “cùng chí hướng” nhưng thời điểm đầu, ông Cường và cháu gặp rất nhiều khó khăn với công việc bao đồng của mình. Thời điểm đó, cả 2 phải lội trực tiếp xuống dòng nước đen ngòm của con rạch để dọn và vớt từng bao nilon, hộp nhựa,… và các mảng lục bình. Công việc quá nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Dù có thùng rác ngay trước nhà, nhưng người dân vẫn “vô tư” đổ rác ra con rạch. Ông Cường và anh Âu phải thường xuyên gom lại rồi đốt.

Công việc rất khó khăn và ảnh hưởng đến sức khỏe

Nhiều lần, hai chú cháu vì dọn rác mà phải chui vào bụi rậm nên bị ong đốt, nhẹ thì bị vài chỗ chịu đau một chút rồi hết, nặng hơn thì đêm về ê ẩm cả mình.

“Sau mỗi lần trầm mình vớt rác, tôi đều phải bỏ luôn bộ đồ vì không thể nào giặt sạch được. Tay chân, người tôi cũng bị nước bẩn “ăn” đến lở loét, phồng rộp hoài”, ông Cường tâm sự.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 5
Hai chú cháu đều đặn làm việc mỗi ngày để khơi thông dòng chảy. 

Không từ bỏ khó khăn, ông Cường và người cháu đã dùng lưới cá kéo rác từ kênh lên. Việc này vừa tiết kiệm thời gian, vừa để bản thân ông không tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước dơ.

Làm việc không lương còn bị.. chửi

Bỏ việc nhà để lo việc bao đồng, suốt ngày loay hoay ở con rạch ô nhiễm để dọn rác không công, ông Cường bị nhiều người gièm pha, chê cười. Còn phía gia đình thì lại phản đối vì cho rằng ông làm những điều vô ích. Nhiều người còn gọi ông là lão “điên” và khuyên ông nên ở nhà hưởng thụ tuổi già.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 6
Ông Cường dùng một cái kẹp để kẹp nilon, túi nhựa lên xuồng để đem lên bờ xử lý.

Nghe nhiều người chửi xéo nhưng ông Cường không vì thế mà từ bỏ công việc. Đối với ông, những lời mà người khác phản đối là do họ chưa hiểu những lợi ích từ việc ông làm.

“Nhiều người nói tôi được trả tiền nên mới đi nhặt rác, chứ ai khùng mà làm vậy. Có người còn nói tôi khùng, “rảnh hơi” nên mới đi làm cái việc không bao giờ có kết quả… Tôi kệ. Rất may, sau một thời gian thì vợ con tôi đã hiểu và ủng hộ. Tôi làm việc có ích cho xã hội chứ có phải làm gì bậy bạ đâu mà lo sợ”, ông Cường tâm sự.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 7
Mỗi ngày hàng trăm kg rác được ông Cường vớt lên và xử lý. 
Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 8
Nhiều vật dụng rác khá trơn nên ông phải trực tiếp vớt bằng tay. 

Dường như vớt rác trở thành công việc mưu sinh hàng ngày

Từ năm 2019, sau khi biết những việc làm tình nguyện của ông Cường, chính quyền địa phương hỗ trợ cho ông một chiếc xuồng tự chế từ ca nô cũ và một triệu đồng. Phương tiện này không chỉ giúp ông không phải “vứt bỏ quần áo” mà còn vớt rác nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

“Mỗi tháng, ở địa phương sẽ ra quân dọn một lần. Nhưng với lượng rác nhiều như thế này, nếu không khơi thông thường xuyên tình hình ô nhiễm sẽ còn nặng hơn. Nên tôi tranh thủ ngày nào cũng phải ra đây làm, được bao nhiêu hay bấy nhiêu” – Ông Cường nói.

“Vào mỗi buổi sáng, tôi chạy xe máy từ nhà ra chỗ neo xuồng trên rạch rồi cùng người cháu chèo vớt rác. Tôi chèo xuồng, còn cháu dùng cây gắp để gắp rác. Chỗ nào nhiều rác quá, nó dùng vợt gom lại, hốt bỏ vào bao. Chừng nào rác đầy xuồng, chúng tôi tấp vào bờ, đưa lên xử lý”, ông Cường cho biết thêm.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 9
Nhờ có hai chú cháu ông Cường, con kênh đã bớt rác đi rất nhiều. 

Ông Cường tâm sự mong muốn người dân có ý thức hơn

Rác sau khi vớt lên được ông Cường tập trung lại một chỗ phơi cho khô rồi phân loại xử lý sao cho hợp lý. “Đến tuổi này rồi, tôi còn làm được việc gì có ích cho xã hội thì tôi làm thôi. Không cần đòi hỏi quyền lợi gì”, ông Cường tâm sự.

Ông Cường cho biết thêm, hiện nay nhiều người vẫn chưa có ý thức về việc bảo vệ môi trường sống. Mặc dù chính quyền địa phương đã trang bị hàng chục thùng rác dọc theo con rạch nhưng họ lại không bỏ rác vào mà vứt thẳng xuống rạch. Thậm chí, có những lúc ông đang vớt rác trên xuồng mà nhiều người chạy xe máy đến vứt thẳng bọc rác xuống rạch. Điều này chính là nỗi trăn trở lớn nhất của ông.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 10
Tuy vậy, ý thức người dân chưa cao nên rác cứ cũ dọn xong rác mới lại ùa về. 

“Tôi mong trẻ em ở địa phương khi thấy hình ảnh một ông già như tôi đi nhặt rác thì sẽ giúp các cháu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là việc để rác đúng nơi quy định”, ông Cường cho hay.

Ngoài công việc vớt rác, thông dòng rạch Ông Đồ, ông Cường còn tích cực tham gia các hoạt động khác như trồng hoa, nhổ cỏ, quét dọn tại các công viên xã, các tuyến đường.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 11
Công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe đối với ông Cường. 

“Tôi ước là trong tương lai tôi sẽ.. bị thất nghiệp”

Đến nay, những việc làm thiết thực, không mệt mỏi của ông Cường đã được phần lớn người dân địa phương ghi nhận, noi theo. Người dân sinh sống 2 bên con rạch Ông Đồ cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, biết bỏ rác đúng nơi quy định.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 12
Hiện tại, chiếc xuồng đi vớt rác đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn được ông Cường hằng ngày xử dụng để làm những công việc có ích cho cộng đồng.

“Tôi có một điều ước là trong tương lai tôi sẽ bị thất nghiệp. Như vậy chứng tỏ những việc làm của tôi đã được mọi người hiểu và đã có ý thức bảo vệ môi trường, không còn tình trạng xả rác bừa bãi. Tôi đã từng làm nhiều công việc nhưng chưa có công việc nào mà niềm vui lớn nhất là được “thất nghiệp” như công việc này”, ông Cười vui vẻ nói.

Ông lão điên hơn 3 năm đi vớt rác giữa dòng kênh đen - 13
Sau mỗi lần vớt rác rạch Ông Đồ, ông lão ấy đều rất mệt mỏi, một phần vì sức khỏe, một phần do mùi hôi thối nhưng ông rất vui vì làm được những việc có ích cho xã hội. 

Vừa qua, tại buổi lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả lần thứ 4” của TPHCM, ông Hồ Chí Cường đã được Chủ tịch UBND TPHCM tặng bằng khen vì đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện chương trình xã hội từ thiện liên tục trong nhiều năm.

Nguồn: Dân Trí – Pháp Luật TP HCM

 

Tin tức liên quan

Tham khảo chương trình tour

Liên hệ tư vấn
028 2208 6688