Đảo Khỉ Cần Giờ – Địa điểm du lịch gần Sài Gòn cho gia đình

Cuối tuần là lúc cả nhà bắt đầu nôn nao tìm chọn địa điểm thú vị để cùng nhau đi chơi. Tìm được nơi con vừa xả stress sau những giờ học, bố mẹ thư giãn vui vẻ bên nhau gần Sài Gòn, đi về trong ngày, một nơi vừa mới mẻ vừa thú vị hấp dẫn con, đôi khi cũng đau đầu ra phết! Lần này, nhà mình quyết định chọn Đảo Khỉ (hay còn goi là khu di tích lịch sử Rừng Sác) Cần Giờ để phóng xe đi.

Cách đi đến Đảo Khỉ Cần Giờ?

Đảo Khỉ thuộc khu dự trữ sinh quyển được đánh giá là tốt nhất Việt Nam. Cách trung tâm thành phố chỉ 45km, đây là nơi cư trú của hơn 2000 cá thể khỉ khác nhau. Để đến được Đảo Khỉ, bạn phải đi xe máy hoặc ô tô tầm 1 tiếng rưỡi, tính cả thời gian qua phà Bình Khánh. Bạn chỉ cần đi 1 đường thằng từ Huỳnh Tấn Phát, quận 7 là tới nơi và chỉ theo đường đó mà đi. Bảng tên khu di tích rất to được đặt trên đường rất dễ nhận ra.

Giá vé và phương tiện đi lại trong Đảo Khỉ

Ca-no-dao-khi
Giá vé và phương tiện đi lại trong Đảo Khỉ

Giá vé vào tham quan khu di tích lịch sử Rừng Sác là 35k/người. Có 2 sự lựa chọn cho khách tham quan là đến khu di tích bằng ca nô hoặc đi bộ xuyên rừng. Nếu đi ca nô, bạn sẽ chi trả thêm 600k nữa cho chuyến đi 2 chiều chở 8 người lớn maximum và sẽ đến nơi trong vòng 10-15 phút. Bạn sẽ lướt đi vèo vèo giữa khu rừng ngập mặn trong tiếng… ca nô 🙂 và chưa kịp nhìn thấy đàn khỉ nào thì đã đến nơi. Gia đình mình chọn phương án 2. Đi bộ xuyên rừng rợp bóng cây, 2 bên là rừng ngập mặn, đi 2 km và quay lại 2 km nữa, tổng cộng tập thể dục 4 cây số chẵn. 🙂

Đảo Khỉ có gì thú vị?

Rung-sac
Tản bộ trên con đường mòn dẫn vào khu di tích Rừng Sác

Nói là đi bộ xuyên rừng nhưng thật ra là tản bộ trên con đường mòn và đi một đoạn qua cầu gỗ dài tầm 100m dẫn vào khu di tích. Gia đình bạn sẽ không đơn độc vì ngoài tiếng chim hót chíp chiu còn có các chú khỉ vui vẻ đu đầy trên cây, ngồi bên vệ đường “bắt chấy cho nhau”, thậm chí thủng thằng đi ngang qua ngang lại trước mặt bạn và các con rất dạn dĩ. Không khí trong rừng Sác mùa cuối năm rất mát mẻ, vẫn còn là mùa nước nổi nên 2 bên đường nước ngập xâm xấp các rễ cây, trên thân cây đầy các tổ mối, tổ kiến, cao cao còn có tổ ong. May mắn như gia đình mình bạn còn có thể nhìn thấy các loài bò sát như tắc kè, kỳ đà hay cá nóc bơi trong đầm. Thực vật trong rừng cũng đa dạng không kém, chủ yếu là các loại cây ở vùng ngập mặn như: bần trắng, mầm trắng… Ngoài ra, còn có các loại cây nước lợ gồm: ô rô, ráng, bần chưa, dừa lá…

Diem-kham-pha-thu-vi-dip-cuoi-tuan-cho-cac-gia-dinh
Các chú khỉ vui vẻ đu đầy trên cây, ngồi bên vệ đường

Đi một đoạn, gia đình bạn sẽ rẽ vào thăm khu cá sấu. Cả cá sấu lẫn khỉ đều được sống trong môi trường tự nhiên khác hẳn với không gian chật hẹp trong vườn bách thảo. Các bạn nhỏ tha hồ mắt chữ A mồm chữ O học hỏi được hàng tá kiến thức mới thú vị, đến một cách tự nhiên mà không hề hàn lâm như ở trường học.

Hai bé gái nhà mình vô cùng hân hoan và hạnh phúc được thấy cá sấu thực sự sống trong đầm lầy, nằm phơi mình tắm nắng, ngụp lội và quẩy đuôi, ăn thức ăn tự nhiên của đầm lầy và buồn bã can ngăn khi chú cá sấu nhỡ nuốt túi ny lông ai đó vô ý đánh rơi xuống chân cầu vào bụng. Các con học một bài học lớn về du lịch có trách nhiệm. Các bạn nhỏ còn được tận mắt thấy tình thương mến thương giữa đàn khỉ, con mẹ cõng con con, cho con bú, bầy khỉ ôm và dựa vào nhau, chia sẻ thức ăn cho nhau, chải lông, thậm chí có chú còn dạy cho bé bài học giới tính sớm ngay giữa đường 😀 Bé cũng đặt câu hỏi và vui mừng phát hiện hành động bắt chấy cho nhau hóa ra chỉ là các chú đang ăn muối đọng lại từ mồ hôi trên người. Thật đáng yêu phải không?

Dao-khi-can-gio2

Hai chú khỉ đang bắt chấy cho nhau

Bầy khỉ ở đây tuy dễ thương nhưng cũng rất tinh nghịch. Các bạn đến khu di tích đừng quên giữ đồ đạc thật chắc (mũ nón, điện thoại, máy chụp hình) và nhất là không mang đồ ăn theo vì các chú khỉ nhà ta rất là cơ hội, có dịp sẽ đu dây tới giật ngay và luôn. Trên đường đi gia đình mình đã chứng kiến khỉ giật mắt kính của khách du lịch. Sau khi dụ dỗ mãi, chú khỉ cũng chịu thả chiếc kính cong veo đầy vết răng xuống. Hihi. Cẩn thận các bé nhỏ nữa, đừng cho bé lại gần khỉ, ba mẹ nhé. Kẻo bé không biết nựng khỉ, khỉ nựng lại thì đau lắm đó!

Gần đến khu di tích, cả gia đình mình rời con đường nhỏ để bước qua chiếc cầu gỗ/tre vòng vèo. Đối với người lớn là bình thường nhưng đối với các bé nhỏ, đi qua 100m cầu cũng là một kỹ năng mới được học vì các cây gỗ đa số bị mục và để lại nhiều lỗ hổng, cần phải thật cẩn thận để không trượt chân, kẹt vào cầu.

Cau-go

Chiếc cầu gỗ/tre vòng vèo khi gần đến khu di tích

Đến khu di tích, cả gia đình mình lại tiếp tục khám phá chiến khu rừng Sác cùng chú bộ đội hướng dẫn viên với các khu trưng bày hiện vật cổ, hầm trú ẩn, và nhà chiếu phim tài liệu, tương tự địa đạo Củ Chi. Nơi đây được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Khu căn cứ này đã được nhiều người biết đến qua quá khứ hào hùng của Đội Đặc công Rừng Sác. Căn cứ được xây dựng và tái hiện lại toàn bộ quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các anh hùng khi xưa.

Rung-sac-can-gio
Tiếp tục khám phá chiến khu rừng Sác

Các điểm du lịch lân cận gần Đảo Khỉ

Kết thúc chuyến đi khám phá Đảo Khỉ Cần Giờ, gia đình mình chạy xe ra biển nghỉ ngơi, dạo mát, không quên ghé chợ Hàng Dương mua hải sản nấu sẵn và thuê bàn ghế ngay tại bãi công viên để thưởng thức. Biển Cần Giờ không đẹp như biển Vũng Tàu, Nha Trang,… nhưng vẫn mang lại cảm giác tích cực rất riêng bởi sự bình yên, nước biển pha bùn có màu sẫm, mùi cá tôm và khá nhiều, ốc sò, còng gió xe cát đào nhà khắp nơi. Gần Đảo Khỉ, các gia đình còn có thể đến chơi, ăn trưa trong khu du lịch Vàm Sát. Nhà mình đã đi vào lần trước và thấy hơi đông kiểu làm du lịch giải trí nên lần này không đi nữa. Tóm lại, chuyến đi Đảo Khỉ Cần Giờ dịp cuối tuần vừa qua đã không làm cho các bạn nhỏ nhà mình thất vọng bởi có quá nhiều điểm hay và vui. Hẹn ngày quay lại!

Image Travel & Events

Liên hệ tư vấn
028 2208 6688