Du lịch bền vững là khái niệm đang được nhiều trường đại học không chỉ chuyên ngành du lịch mà các ngành khác cũng đang hướng tới. Chính vì vậy, một chuyến đi trải nghiệm du lịch bền vững tại các địa điểm du lịch bền vững là một chuyến đi thực tế cho sinh viên tiếp cận được mô hình này một cách chân thực nhất. Trong đó, Cần Thơ là một trong những tỉnh hướng tới phát triển loại hình du lịch bền vững một cách mạnh mẽ. Tại Cần Thơ, sinh viên sẽ có vô vàn những trải nghiệm thú vị để khám phá.
Du lịch bền vững là gì?
Đầu tiên, Du lịch bền vững là một hình thức du lịch chú trọng đến việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, văn hóa và cộng đồng địa phương, đồng thời thúc đẩy lợi ích kinh tế, xã hội cho các bên tham gia. Mục tiêu của du lịch bền vững là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, và cung cấp trải nghiệm thú vị cho du khách mà không gây hại đến môi trường và cộng đồng nơi họ đến.
Một số hoạt động du lịch bền vững tại Cần Thơ
Thực hiện du lịch có trách nhiệm trên chuyến đi
Sinh viên tự chuẩn bị mang theo bình nước cá nhân. Trong suốt quá trình, đơn vị lữ hành sẽ chuẩn bị bình nước 20l cho sinh viên để hạn chế thải rác nhựa ra môi trường. Bên cạnh đó, sinh viên tuyệt đối không xả rác trong quá trình tham gia chuyến đi. Ý thức tôn trọng không gian chung, đi nhẹ nói khẽ, không gọi nhau lớn tiếng tại điểm tham quan. Có ý thức và tôn trọng, trân quý sự đa dạng văn hóa tộc người, vùng miền, phong tục, tính cách… tôn trọng di tích lịch sử, trân quý những giá trị cũ làm nên bản sắc điểm đến, văn hóa của người dân bản địa.
Câu chuyện của người dân địa phương – Giữ gìn và thích ứng
Tại Bến Ninh Kiều và Chợ nổi Cái Răng, sinh viên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với người dân địa phương, những người vẫn gắn bó với nghề truyền thống trên sông nước. Qua những câu chuyện chân thật, các bạn dần hiểu hơn về những khó khăn khi người dân phải cân bằng giữa việc giữ gìn lối sống truyền thống và đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế – xã hội. Điều này đã làm nổi bật lên tầm quan trọng của việc phát triển du lịch bền vững, góp phần bảo vệ cộng đồng và môi trường.
Cồn Sơn – Mô hình du lịch cộng đồng độc đáo
Tại Cồn Sơn, sinh viên và giảng viên được trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng đầy sáng tạo. Mỗi hộ gia đình tại đây đều đóng góp những giá trị riêng, tạo nên một hệ thống du lịch bền vững và gắn kết. Các hộ dân không chỉ mang đến trải nghiệm văn hóa, mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định thông qua việc cung cấp các sản phẩm tự trồng như rau, cá, gia cầm… tất cả đều phục vụ du khách trong một không gian thân thiện và gần gũi.
Mâm cơm cộng đồng – Biểu tượng của tình đoàn kết
Điểm nhấn độc đáo không thể bỏ qua tại Cồn Sơn chính là “Mâm cơm cộng đồng” – nơi mà mỗi gia đình góp một món ăn đặc trưng để cùng tạo nên bữa ăn thịnh soạn, đậm chất miền Tây. Du khách vừa thưởng thức món ngon, vừa cảm nhận được tình cảm chân thành và sự hiếu khách của người dân địa phương. Đây không chỉ là bữa ăn, mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và chung tay phát triển du lịch bền vững của cả cộng đồng.
Cuộc gặp gỡ với “người bảo vệ sông Mekong”
Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi là khi sinh viên được gặp gỡ Chú Năm – người đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu và bảo tồn các loài cá quý hiếm trên sông Mekong. Những câu chuyện của Chú về sự suy giảm đa dạng sinh học, sự tác động của biến đổi khí hậu, và thói quen xả rác của con người đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các bạn. Qua đó, các sinh viên không chỉ hiểu rõ hơn về giá trị của tự nhiên mà còn ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Hoạt động gần gũi với cuộc sống bản địa
Sự gắn kết và thân thiện của người dân Cồn Sơn với các du khách, đặc biệt là với các bạn sinh viên, đã tạo nên một chuyến đi đầy ý nghĩa. Người dân không chỉ chia sẻ về cuộc sống hằng ngày của họ, mà còn mời các sinh viên tham gia trực tiếp vào các hoạt động thường ngày như nấu ăn, làm bánh, nổ bỏng ngô. Qua đó, sinh viên không chỉ hiểu thêm về cuộc sống trên Cồn mà còn cảm nhận được sự gắn bó, hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, từ đó có thêm động lực để hành động vì một tương lai bền vững hơn.
Những bài học từ chuyến đi sẽ là hành trang quý giá để các sinh viên hiểu sâu sắc hơn về tầm quan trọng của du lịch bền vững và trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Đây là cơ hội không chỉ để học hỏi, mà còn để hành động vì một tương lai bền vững hơn.
Hoàng Long