Xóm Mũi nằm cách cột mốc phía Nam Tổ quốc 0,5 km có những ngôi nhà không cửa, còn gọi là nhà “cẳng cao”. Từ trên cao nhìn xuống, những căn nhà không cửa nằm san sát nhau của người dân tạo nên không gian rất đặc trưng, nét văn hoá đặc sắc của miền quê sông nước.
Nơi cư ngụ của người dân Đất Mũi
Cách TP Cà Mau khoảng 100 km về phía Nam, du khách tham quan miền đất cực Nam thường đến thẳng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, hoặc lưu trú ở các nhà nghỉ ven quốc lộ 1. Nhưng Xóm Mũi nằm phía Đông Bắc vườn quốc gia mới là nơi sinh sống của những người dân Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển).
Cây cầu cong vút bắc ngang con kênh Vàm Mũi. Hai bên kênh, những ngôi nhà sàn nối nhau san sát, chìa chân ra mé nước. Đó vừa là nơi ở vừa là bến tàu nơi những ghe nhỏ đánh lưới, làm đáy hay bắt vọp cập về. Điều kỳ lạ là những nhà sàn này đều không có cửa.
Tại sao lại xây nhà không cửa?
Nhà không cửa có thiết kế đơn giản, rộng rãi và thoáng mát. Do địa hình gần biển, khoảng từ tháng 9-11 mỗi năm nước biển dâng cao nên đa số những ngôi nhà nơi đây đều làm sàn cao cách mặt đất. Nền nhà được lót bằng ván mỏng hoặc có hộ khá hơn thì làm nền kiên cố bằng bê-tông. Vì nhà không làm cửa nên đứng ở trước nhà có thể nhìn thấu ra phía sau. Những tài sản, vật dụng trong nhà được phơi bày ra hết giữa nhà cũng giống như sự cởi mở, phóng khoáng của con người nơi đây.
Ba Lý – một trong những người bản địa ở Xóm Mũi đã chia sẻ một cách hài hước về lý do người dân lại xây nhà không cửa: “Hồi chưa có lộ toàn chòm xóm với nhau, không có trộm cắp, cần chi làm cửa”.
Lưu giữ tập tục nhà không cửa ở Đất Mũi
Ông Ba Lý còn nhớ, cách đây 30 năm, cả ấp chỉ có vài chục mái nhà, hai bên toàn là nước và rừng đước, rừng mắm. Những cư dân như ông chỉ sống nhờ “rau rừng, cá sông”. Tập tục làm nhà không cửa đã được duy trì và lưu giữ từ thời cha ông qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Những ngôi nhà không cửa, gắn với ký ức về thời khẩn hoang, không chỉ gợi lên vẻ thanh bình. Việc làm ăn dựa vào thiên nhiên khó hơn, vì trước đây hải sản được mười phần thì nay cùng lắm là ba. Bởi thế mà, tuy hầu hết đều ở trong nhà “chân dài” nhưng “đại gia” thì không có mấy.
Xóm Mũi có lẽ là nơi duy nhất còn những ngôi nhà đặc trưng theo nét xưa được miêu tả.
Kiến trúc nhà không cửa truyền thống
Theo ông Ba Lý, nhà sàn Xóm Mũi truyền thống thường được cất theo kiểu ba gian, hoặc hai mái. Vách nhà thường được lợp bằng lá dừa. Cột, kèo, sàn bằng gỗ đước rừng, cách mặt nước khoảng 1-1,5 m.
Ông Bảy Xíu, hàng xóm của Ba Lý: “Chúng tôi vào rừng chặt những cây đước cao 20-30 thước (mét) để xây nhà, có cây 2-3 người ôm không xuể, mất mấy ngày mới đốn hạ xong”.
Nhà không cửa ở Đất Mũi giúp người dân này thích nghi với nước triều lên mùa gió Bấc. Bảy Xíu nhớ chuyện xưa, lúc ở nhà cũ hoàn toàn bằng gỗ và lá dừa, ông bán “lốc cốc leng keng” (tạp hóa vụn vặt), để hàng trước nhà. Giấc chiều còn êm ru thì đến tối nước đã lên ngập, cuốn trôi hết hàng. “Nước triều chỉ lên vài ba ngày vào tháng 10, 11 rồi rút nhưng nó lên hồi nào hổng hay”.
Cuộc sống người dân nhà không cửa ở Đất Mũi
Nhiều người con Xóm Mũi lớn lên không chọn ở lại quê mà lên thành phố làm công nhân.
Cũng có người phất lên nhờ làm ăn kinh doanh, như Tư Cương, mua đất ở đường lộ để mở một nhà nghỉ, quán ăn. Ông vẫn giữ ngôi nhà ở Xóm Mũi để đi đi về về.
Ông Trương Văn Sệ, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi nói, do tập quán của bà con sinh sống trong rừng, nước, tính cộng đồng cao, lộ giao thông chưa phát triển, tình trạng trộm cắp hầu như không có, an ninh ổn định.
Phần lớn người dân sống bằng ngư nghiệp. Do dân số tăng, nguồn lợi thủy sản, thu nhập bị chia sớt nên cuộc sống của người dân không quá phất, nhưng tương đối ổn định, nhà không cửa không còn nhiều như trước và được thay thế bằng nhà khang trang hơn.
Sự thay đổi trong tương lai của người dân Xóm Mũi
Để người dân hưởng lợi từ Khu du lịch Vườn quốc gia Đất Mũi (đón 300.000 lượt khách năm 2019), xã đang đề xuất quy hoạch khu dân cư ở Đất Mũi thành các khu du lịch cộng đồng như homestay, nhà hàng, đặc sản, quà lưu niệm…
Những người dân Xóm Mũi đang kỳ vọng vào sự đổi thay. Ông Võ Thanh Tùng khoe, ông có hai đứa cháu đang đi học, một đứa trường tiểu học ở bên kia cây cầu, còn đứa nhỏ học mẫu giáo.
Sau 20 năm làm nghề đan lưới, gương mặt trầm tĩnh của ông được khắc thêm nét nhẫn nại. Ông Ba Lý cần mẫn ngồi đan lưới, dường như ông đang muốn dệt lên tương lai của những đứa cháu của mình..
Cập nhật thêm nhiều tin tức mới lạ cùng Image Travel & Events.