Du lịch có trách nhiệm (Responsible Tourism) và du lịch bền vững (Sustainable Tourism) có sự tương đồng về khái niệm và mục tiêu. Khái niệm du lịch bền vững ra đời từ năm 1992, tuy nhiên đối tượng và phương pháp thực hiện như thế nào vẫn là vấn đề luôn được đặt ra. Trước nhu cầu thực tế đó, khái niệm du lịch có trách nhiệm được đưa ra năm 2002 thể hiện cách thức tiến hành để thực sự hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Ngày du lịch có trách nhiệm được Hội chợ du lịch thế giới chọn tổ chức vào tháng 11 hàng năm. Ngày du lịch trách nhiệm đã được xác nhận bởi Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC).
1. Thế nào là du lịch có trách nhiệm?
Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận quản lý du lịch, nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và giảm thiểu chi phí tới các điểm đến. Bản chất của loại hình du lịch này chứa đựng những đặc trưng của phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên nó mang tính phổ quát, định hướng cao hơn, thậm chí điều chỉnh tất cả các loại hình du lịch khác.
Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa ngành du lịch, đem lại bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch; đồng thời góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ tạo dựng một môi trường lành mạnh.
Mục đích của du lịch có trách nhiệm là tăng cường các tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực lên xã hội, nền kinh tế và môi trường sống.
2. Cốt lõi của Du lịch có trách nhiệm
Cốt lõi của Du lịch có trách nhiệm là những nguyên tắc của du lịch bền vững, mà theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Tổ chức Du lịch Thế giới, nhằm mục đích:
– Phát triển Du lich bền vững
– Tận dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường tạo thành một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, duy trì quá trình sinh thái quan trọng và giúp đỡ để bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.
– Tôn trọng tính xác thực văn hóa xã hội của cộng đồng địa phương, bảo tồn những công trình, di sản văn hóa sống và những giá trị truyền thống của họ, và đóng góp vào sự hiểu biết và khoan dung của liên văn hóa.
– Đảm bảo khả thi, lợi ích kinh tế lâu dài cho tất cả các bên có liên quan được phân phối một cách công bằng, trong đó có việc làm ổn định cơ hội tạo thu nhập và các dịch vụ xã hội cho các địa phương, cùng với đó là góp phần xóa đói giảm nghèo.
>>> Tìm hiểu thêm các sản phẩm du lịch có trách nhiệm tại đây.
3. Lợi ích của Du lịch có trách nhiệm
– Giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, môi trường và xã hội;
– Tạo ra nhiều lợi ích về mặt kinh tế và nâng cao phúc lợi cho người dân ở địa phương;
– Cải thiện điều kiện làm việc và tham gia vào hoạt động du lịch;
– Khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ;
– Đóng góp một cách tích cực vào việc bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa;
– Cung cấp những trải nghiệm thú vị cho du khách qua mối liên kết giữa khách du lịch và người dân địa phương;
– Tạo hiểu biết về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường tại địa phương;
– Khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau giữa khách du lịch và người dân địa phương;
– Tạo dựng niềm tin và lòng tự hào dân tộc cho cộng đồng.
4. Nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm
Về kinh tế
– Khi phát triển các dự án du lịch, cần phải đánh giá tác động kinh tế, xác định rõ loại hình ưu tiên phát triển để mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới đời sống của họ.
– Tăng cường liên kết nhằm khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của các cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch.
– Chất lượng sản phẩm du lịch của điểm đến cần phải nêu bật được nét hấp dẫn đặc thù và chú trọng tới giá trị gia tăng.
– Xúc tiến quảng bá du lịch phải đảm bảo tôn trọng tính nguyên vẹn về văn hóa, kinh tế, tự nhiên và xã hội; khuyến khích phát triển các loại hình du lịch phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
– Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, đưa ra giá cả hợp lý và xây dựng mối quan hệ kinh doanh chia sẻ trách nhiệm cả trong rủi ro và thành công; tuyển dụng và đào tạo nhân viên làm việc có tay nghề.
– Dành hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới du lịch bền vững.
Về xã hội
– Tích cực thu hút cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, nâng cao năng lực để họ hiện thực hóa các sáng kiến đề ra.
– Đánh giá tác động xã hội thông qua quá trình vận động dự án ngay từ khâu lập kế hoạch, thiết kế dự án nhằm giảm thiểu các tác động xã hội và tối đa hóa yếu tố tích cực.
– Đưa du lịch thành nhu cầu trải nghiệm chung của toàn xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm người và cá nhân dễ bị tổn thương và thiệt thòi.
– Ngăn chặn lạm dụng tình dục trong du lịch, đặc biệt đối với trẻ em.
– Giảm thiểu thiệt hại trong quá trình khai thác và sử dụng các nguồn lực; phát triển du lịch gắn chặt với mục tiêu vì người nghèo và hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo.
– Tôn trọng phong tục, tập quán của cư dân bản địa; bảo tồn và phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hội.
– Đảm bảo du lịch đóng góp đáng kể vào cải thiện y tế và giáo dục.
Về môi trường
– Cần đánh giá tác động môi trường trong quá trình hoạch định và thiết kế dự án du lịch.
– Sử dụng tài nguyên hợp lý và bền vững, giảm chất thải và tiêu thụ quá mức tài nguyên và năng lượng.
– Quản lý đa dạng tự nhiên, sinh thái theo hướng bền vững; phục hồi những khu vực tài nguyên tự nhiên bị xâm hại và xác định rõ các loại hình du lịch gắn với môi trường để có hướng bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái dễ bị phá hủy và các khu phòng hộ.
– Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức cho mọi chủ thể về phát triển bền vững.
– Nâng cao năng lực về du lịch cho mọi chủ thể và tuân thủ những mô hình phát triển du lịch lành mạnh, hiệu quả nhất.
5. Các loại hình và khái niệm liên quan đến du lịch có trách nhiệm
Du lịch bền vững
Phát triển du lịch bền vững là đáp ứng các nhu cầu hiện tại trong khi vẫn bảo vệ và tăng cường cơ hội cho tương lai. Ba yếu tố cân bằng trong phát triển du lịch bền vững gồm: kinh tế, xã hội và môi trường.
Du lịch sinh thái
“Du lịch sinh thái là loại hình dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương” (Theo Luật Du lịch)
Du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng là hình thức du lịch tới các điểm đến tự nhiên, nơi có các nền văn hóa bản địa nhằm mang lại lợi ích cho người dân địa phương bằng cách giúp họ duy trì quyền tự ra quyết định về việc tổ chức du lịch tại địa bàn sinh sống của họ.
Du lịch nông nghiệp
Là một loại hình của du lịch sinh thái và du lịch nông thôn, khuyến khích du khách trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống nông nghiệp của nông dân, ngư dân trong thời gian một ngày, qua đêm, hoặc dài ngày với các hoạt động như: trồng cà phê, nho, lúa hoặc bắt cá, tôm, cua…
6. Du lịch có trách nhiệm do ai thực hiện?
Du lịch có trách nhiệm đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong hệ thống du lịch bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, nhân viên làm việc trong ngành du lịch, cộng đồng địa phương và khách du lịch.
Chính phủ có trách nhiệm trong việc hoạch định chính sách và đưa ra các mục tiêu phát triển du lịch có trách nhiệm.
Doanh nghiệp có trách nhiệm hiện thực hóa chỉ đạo của nhà nước trong việc thực hiện du lịch có trách nhiệm thông qua những dịch vụ du lịch mà doanh nghiệp cung cấp.
Nhân viên làm việc trong ngành du lịch cần ý thức được lợi ích và trở thành thành phần thay đổi đầu tiên và tích cực trong xã hội theo cách tiếp cận du lịch có trách nhiệm.
Và nhiều hơn nữa…
Cộng đồng địa phương có ý thức tiếp cận du lịch có trách nhiệm bằng cách gìn giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương, cũng như bảo tồn cảnh quan thiên nhiên vốn có tại địa phương.
Khách du lịch có trách nhiệm trong việc lựa chọn các sản phẩm du lịch bền vững, có ý thức giữ gìn di sản và bảo vệ môi trường khi đi du lịch.
Du lịch có trách nhiệm đem lại những lợi ích to lớn cho con người và môi trường sinh thái, bởi vậy đây là cách tiếp cận cần được chú trọng trong phát triển ngành du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra các giải pháp hướng đến việc thực hiện du lịch có trách nhiệm để đạt đến sự phát triển bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan. Phát triển du lịch có trách nhiệm sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.
IMAGE Travel luôn hướng tới mục tiêu “Du lịch có trách nhiệm” trong các hoạt động của mình.
Tài liệu tham khảo: Bộ tài liệu đào tạo Du lịch có trách nhiệm của Dự án EU, Tổng cục du lịch Việt Nam, VietnamBiz