CEO Nguyễn Ngọc Toản: “Không phải cứ làm mới sản phẩm du lịch là thu hút khách châu Âu”

[Vietnam Travel] – CEO Nguyễn Ngọc Toản cho rằng điều khiến khách du lịch châu Âu yêu thích và muốn đến du lịch Việt Nam chính là vì được trải nghiệm chân phương bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam. 

Theo anh Nguyễn Ngọc Toản: Năm 2023 khách châu Âu đến Việt Nam theo nhóm bạn nhỏ hoặc gia đình từ 2 đến 4 khách, có sự tăng mạnh. Nhìn chung người châu Âu có sở thích được đi khám phá cuộc sống đời thường bình dị của người dân, nên đi nhóm nhỏ sẽ rất thuận tiện.

Anh Toản kể lại rằng những chuyến tham quan ở Tây Bắc của khách Âu. Họ thích đi bộ men theo những con dốc, đi qua những sườn đồi đến với bản làng nằm khuất trong núi, để gặp gỡ người dân và trải nghiệm những món ăn dân dã mang đậm nét riêng của người bản xứ. Có những chuyến đi bộ và ngủ nhà người dân từ 2 đến 4 ngày, họ đi vào những bản làng giữa thung lũng và hoàn toàn tách biệt với không khí của phố thị.

Còn khi đến Đồng bằng sông Cửu Long, họ sẽ thích đi thăm những xóm làng, nơi có truyền thống và các nghề xưa vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, hoặc họ có thể đi xe đạp ở những con đường quê, đi thuyền khám phá nét đẹp của cuộc sống sông nước, chợ nổi.

“Khách Âu rất hài lòng về những chuyến đi ở Việt Nam. Như đến với Thành phố Hồ Chí Minh, điều khiến họ ấn tượng là những công trình cổ vẫn còn được lưu giữ vẹn nguyên. Thêm vào đó, họ thích đi vào những khu phố ẩm thực, trên các vỉa hè cập các con phố đêm, đi dạo quanh chợ Bến Thành. Hay đến Hà Nội họ thích tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, đi dạo phố cổ, trải nghiệm ngồi xích lô”, anh Nguyễn Ngọc Toản cho biết.

Anh Nguyễn Ngọc Toản giới thiệu Việt Nam đến khách du lịch. Ảnh: NVCC

>Tìm hiểu thêm thông tin về Image Travel & Events 

>Tham khảo tour thiết kế riêng, TẠI ĐÂY

Quan điểm du lịch của người châu Âu và người châu Á có sự khác nhau rõ rệt. Khách Âu họ có xu hướng thích tận hưởng những giá trị truyền thống chân phương. Anh Toản chia sẻ thêm: “Khách châu Âu đi du lịch thường sẽ thích cảm nhận qua đôi mắt rồi rung động và lưu giữ hình ảnh bằng cả trái tim. Họ đi là để tận hưởng cảnh vật nơi đó một cách trọn vẹn, họ không có sở thích đến đó chỉ để check-in những địa điểm mới hay để vui chơi giải trí độc lạ.

Có những nơi rất bình dị nhưng khách Âu cảm thấy thích thì có thể lưu trú lại cả tuần để tận hưởng. Việc ít quan tâm đến cái mới của người châu Âu còn thể hiện ở thói quen sinh hoạt tại đất nước họ. Ví dụ nho nhỏ, người Pháp có thể ăn sáng với bánh mì kèm bơ mứt trong suốt nhiều năm liền.

Ở những thành phố của châu Âu, khách du lịch có thể tìm thấy những nhà hàng cổ điển đã tồn tại mấy chục năm, không thay đổi gì từ kiến trúc đến thực đơn. Chính thói quen và tư duy ở đất nước của họ, đã hình thành nên suy nghĩ và nhận thức trân trọng các giá trí truyền thống bản địa”.

Anh Toản cũng nhận định, đối với khách châu Âu để thu hút họ quay trở lại một nơi để du lịch, không cần thiết cứ phải làm sản phẩm mới. Với anh điều quan trọng nhất là sản phẩm đó có đủ chất lượng, có tạo được cảm tình để níu chân du khách. Việc làm mới các sản phẩm du lịch, cũng cần có sự nhìn nhận đúng đắn về hệ quả của nó mang lại.

Không nên bê tông hóa thiên nhiên hay đập xây mới những công trình cổ rồi gọi đó là sản phẩm mới. Đối với doanh nghiệp, việc làm mới sản phẩm du lịch có thể bắt đầu từ câu chuyện đầu tư những dịch vụ cơ bản ăn ngủ nghỉ có tiện nghi hiện đại nhưng phải luôn gần gũi với thiên nhiên và nhất là mang bản sắc địa phương trong kiến trúc.

CEO Nguyễn Ngọc Toản và những lần đi thăm thú ở thác K50.

Một ý kiến khác của anh Toản, ở những nước chuyên nghiệp trong du lịch, họ luôn có sản phẩm thị trường và sản phẩm phi thị trường. Anh lý giải thêm đối với sản phẩm thị trường là để bán, để mang lại doanh thu và lãi nhưng như vậy không đủ.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý điểm đến phải có các sản phẩm phi thị trường (khách không phải bỏ chi phí nhưng vẫn có thể tận hưởng). Đây có nghĩa là những điểm tham quan giải trí miễn phí để giữ chân du khách lâu hơn và tăng doanh thu theo một cách thông minh và thân thiện. Việc giữ chân khách du lịch ở lại lâu hơn sẽ phát triển bền vững và tự động thúc đẩy phong phú hóa mọi sản phẩm du lịch khác.

Theo anh, khách hàng chỉ trở thành thượng đế khi chúng ta hiểu họ để có kế hoạch chăm sóc đúng đắn. “Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận định của tôi về sản phẩm dành cho khách du lịch kiểu khám phá, còn khách du lịch chỉ mua sắm và giải trí lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chuyện đó rất dài và phải ở một góc nhìn mang tính thương mại hơn” – anh Toản bày tỏ.

Hành trình thấu hiểu “cái chất” của người châu Âu

Với anh Nguyễn Ngọc Toản, đó là một hành trình thú vị và đầy ý nghĩa. “Bản thân tôi đã từng làm hướng dẫn viên cho khách Pháp hơn 8 năm nên có điều kiện quan sát cảm nhận về cách nghĩ cũng như cách tận hưởng du lịch của người châu Âu” – anh Toản chia sẻ. Và sau đó là những chuyến công tác tại châu Âu nhằm mở rộng khách hàng, có khi đi cùng khách cũ, đôi khi là đi cùng đối tác Pháp để tìm hiểu những góc nhìn khác nhau.

Anh luôn tạo cho bản thân cơ hội để được ngắm nhìn, chiêm nghiệm châu Âu ở một góc độ rất khác. “Như khi đến một quốc gia ở châu Âu để quảng bá du lịch, tôi thường dành ra nhiều ngày để khám phá. Thay vì dành thời gian đến những điểm nổi tiếng để chụp ảnh như bao người, tôi lại lang thang để khám phá kiểu sinh hoạt ăn uống sống ở nhà người dân. Ví dụ như đi rừng, leo núi cùng họ, để trải nghiệm sâu hơn về văn hóa nơi đó. Có những chuyến công tác của tôi kéo dài hơn 20 ngày để có thời gian tìm hiểu lối sống, quan điểm về du lịch của người châu Âu” – anh Toản cho biết.

Anh Nguyễn Ngọc Toản cũng thẳng thắn chia sẻ về quan điểm kinh doanh của bản thân, với anh khi làm bất cứ một sản phẩm du lịch đều xoay quanh khách hàng một cách thực tế, chứ không nói dựa trên lý thuyết. Chính vì suy nghĩ này, bản thân anh luôn ưu tiên dành nhiều thời gian để nghiên cứu xu hướng thực tế của khách hàng. Từ đó, bản thân dần có sự am hiểu hơn về con người, sản phẩm cũng như nắm được sự vận hành của thị trường du lịch khách Âu.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong tháng 11/2023, lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022, cán mốc trên 1,23 triệu lượt khách quốc tế, đây cũng là tháng ghi nhận lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm 2023. Tính chung 11 tháng, Việt Nam đã đón trên 11,2 triệu lượt khách khách quốc tế. Trong đó, các quốc gia có thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam là Anh (232.000 lượt), Pháp (195.000 lượt) và Đức (182.000 lượt). Cũng trong tháng 11, các thị trường châu Âu được miễn thị thực tăng trưởng mạnh, đạt mức tăng trưởng tốt nhất trong các châu lục, tăng 58,5% so với tháng 10/2023. Cụ thể, khách Anh tăng 38,6%, khách Pháp tăng mạnh nhất 72,5%, Đức tăng 36,1%, Ý tăng 55,1%, khách Nga tăng 41,8%, nhóm khách các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển,… cũng tăng mạnh từ 33% – 84%.

Theo tạp chí Vietnam Travel 

Tham khảo chương trình tour

Tin tức liên quan

028 2208 6688